Trên quê hương anh hùng Núp

Chính trị - Ngày đăng : 07:42, 18/05/2006

Nói đến làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai), nhiều người nghĩ ngay đến cái tên làng Kông Hoa trong tác phẩm “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc bởi Stơr chính là hình ảnh nguyên mẫu của làng Kông Hoa. Nơi đây còn có một người mà tên ông là niềm tự hào của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên- ông Đinh Núp, anh hùng Núp, một trong những người con ưu tú của núi rừng Tây Nguyên dám đứng lên cùng cả nước đuổi Pháp, đánh Mỹ.

Nhà rông Tây Nguyên

Nói đến làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai), nhiều người nghĩ ngay đến cái tên làng Kông Hoa trong tác phẩm “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc bởi Stơr chính là hình ảnh nguyên mẫu của làng Kông Hoa. Nơi đây còn có một người mà tên ông là niềm tự hào của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên- ông Đinh Núp, anh hùng Núp, một trong những người con ưu tú của núi rừng Tây Nguyên dám đứng lên cùng cả nước đuổi Pháp, đánh Mỹ.

Tháng 4 Tây Nguyên nắng oi ả. Tôi cùng đồng nghiệp ngồi trên chiếc xe gắn máy lầm lũi cày tung những lớp bụi đỏ quạch để đến với làng Stơr. Từ ngã ba trung tâm xã Tơ Tung rẽ phải độ hơn cây số là đến làng, tấm bảng chỉ đường chắc được xây lâu lắm đã tróc hết lớp vôi trắng. Con đường từ trung tâm xã vào làng mới được trải nhựa, làng Stơr hiện tại kéo dài theo con đường và dân cư thì đông đúc hơn rất nhiều ngôi làng kháng chiến xưa kia. Ngôi làng kháng chiến ấy nằm sâu trong núi K D’Rắc, đi nhanh cũng phải mất gần nửa ngày đường. Làng ấy giờ không còn ai nữa. Giữa làng mới, ngôi nhà lưu niệm anh hùng Núp nằm yên ắng ven đường, đối diện ngôi nhà rông của làng. Không nhiều hiện vật để có thể thấy được những sự tích oai hùng thời kháng Pháp, chống Mỹ của cụ và đồng bào Bana nơi đây.

Chủ tịch xã Tơ Tung Đinh SDâm rắn chắc trong bộ đồ kaki sẫm màu đưa chúng tôi đi thăm một vòng quanh làng. Làng Stơr hiện tại là nơi chung sống của hơn trăm hộ đồng bào Bana bản địa, người Kinh, người Tày, Nùng từ mãi tận Cao Bằng, Lạng Sơn vào lập nghiệp. Tôi hỏi chủ tịch SDâm: “Nghe nói đồng bào phía Bắc di cư vào rất chịu khó làm ăn nên đời sống khá lắm phải không ?’’, Chủ tịch SDâm cười: “Người Bana cũng chịu khó làm ăn rồi, không còn hộ đói nữa. Hộ nghèo cũng ít thôi. Các hộ người Bắc vào cũng rất tốt, giúp đỡ người Bana nhiều đấy chứ. Đến Stơr thì phải tìm hiểu lịch sử đã, chúng ta đến nhà già làng thôi”. Cụ Đinh Jứt, bạn chiến đấu của cụ Núp; ông Đinh Nhúy, già làng, cháu gọi cụ Núp bằng bác, rất sẵn lòng khi được gợi chuyện. Từ những câu chuyện xoay quanh làng kháng chiến Stơr xưa kia - tức là là Kông Hoa đánh Pháp, dần dần câu chuyện quay về Đại hội Đại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên, chuyện không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận Di sản văn hóa thế giới, đến chuyện Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng được nhân dân trông đợi... Mà lạ, cứ mỗi câu nói lại phải chiêu một ngụm rượu cần mát lạnh. Đến khi ông Nhúy hỏi Bí thư xã Nông Văn Tiến về việc bao giờ làng kháng chiến Stơr trong núi được xây dựng, phục hồi lại thì mặt trời đã chìm xuống những cánh rừng, vẽ lên một khung cảnh hùng vĩ.

Thế nhưng, vấn đề quan tâm nhất, được nói nhiều nhất lại là chuyện làm kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của bà con trong làng. Chủ tịch SDâm cho biết, Chương trình 134, 135, 149...của Nhà nước đãcho xã Tơ Tung một diện mạo mới. Về cơ bản đời sống của đồng bào đã ổn định, đổi mới nhiều so với trước. Và bằng chứng cho những đổi thay đó là có thể trông thấy được. Ông Nhúy trầm ngâm: “Ngày xưa người Bana ở Stơr đánh giặc kiên cường bao nhiêu thì nay cũng phải quyết tâm bấy nhiêu. Truyền thống hào hùng của dân tộc không dễ mai một, dân làng Stơr ơn Đảng cho nhiều thứ nhưng không vì thế mà ỷ lại, trông chờ”. Những cố gắng của mọi người giờ đây đã thành những rẫy bắp, những nương mì. Đặc biệt hơn, một số hộ trồng cây xoan đào, cây thuốc lá, cây bạch đàn xuất khẩu hoặc phát triển chăn nuôi đã có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi vụ. Làng Stơr giờ không còn hộ đói, chỉ còn rất ít hộ nghèo, trẻ em được đến trường, được chăm sóc y tế, văn hóa, đàibáo, ti vi, xe gắn máy... cũng xuất hiện nhiều hơn dưới những mái nhà.

Tây Nguyên những ngày giao mùa chợt mưa, chợt nắng. Trận mưa rào kéo bóng đêm xuống sớm hơn ở làng Stơr. Một vài đứa bé biết già làng có khách lục tục đến bám vào vách nhà hóng chuyện. “Dịp khác, có khách như thế này lũ làng đến đông đủ nhưng vì có mưa nên trai tráng đi rẫy cả rồi. Không đông nhưng thế là mừng cho lũ làng, đổi mới cách nghĩ rồi cuộc sống sẽ tốt thôi”, cụ Jứt bỏ thêm củi vào bếp, chậm rãi nói.

Mừng cho Stơr, mừng cho quê hương cách mạng đang đổi thay từng ngày. Tôi cứ ngẫm mãi lời già làng Nhúy, rất chân thật như tấm lòng của người Bana: “Làng Stơr đã anh hùng trong đánh Pháp, đánh Mỹ, cũng phải anh hùng trong lao động sản xuất để chiến thắng đói nghèo”.

Trần Thường

ANHTHU