Kẻ săn lùng gốm sứ độc nhất vô nhị
Văn hóa - Ngày đăng : 15:15, 17/05/2006
GS. Augustine Hà Tôn Vinh
56 tuổi, 30 năm sưu tầm, gần 6000 món đồ quý
"Choáng!" là ấn tượng đầu tiên khi bước vào nhà ông Vinh. Những tủ kính được xếp ngay ngắn san sát nhau với vô số những món đồ sứ độc đáo, những chiếc rương, trường kỷ đặt la liệt những bình gốm, trống đồng, lọ, bát, điếu bát, bình vôi. Tất cả được xếp theo từng nhóm, chú thích thời kỳ, niên đại đàng hoàng không khác gì trong một bảo tàng thực sự Nếu biết rằng ông đã mất 30 năm trời tìm kiếm, sưu tầm và bỏ ra cả núi tiền để mua chừng ấy món đồ quý thì bạn sẽ không thắc mắc vì sao người đàn ông 56 tuổi này lại có một bộ sưu tập đồ cổ quý giá như thế.
Cái tên Augustine Hà Tôn Vinh có lẽ đã quá quen thuộc với nhiều người với tư cách là một chuyên gia về kinh tế chứ không phải là một nhà sưu tầm đồ gốm sứ. Ông đã có hơn 25 năm kinh nghiệm hoạt động và làm việc khắp thế giới về xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh, tư vấn đầu tư, quản lý dự án trong các liên minh kinh tế chiến lược. Ông hiện tham gia giảng dạy chương trình Cao học tại Khoa QTKD Đại học QGHN và Đại học TH Hawaii.
Bắt đầu tìm đến thú chơi đồ cổ khi đang còn là sinh viên ở Mỹ, cuộc tìm kiếm những câu trả lời phía sau tấm màn bí ẩn của từng món đồ vô tri đã dẫn ông đến với gốm cổ như một định mệnh.
"Đi tìm nguồn gốc, đi tìm khai sinh cho mỗi món đồ cũng là một niềm đam mê. Càng khó tìm nguồn gốc, càng lâu thì càng khoái. Nếu những món đồ ai cũng biết thì chẳng có gì để nói".
Không kể vô vàn những món đồ độc như bộ sưu tập đồ gốm sứ Chu Đậu, kho tàng đồ gốm men trắng xanh đời Minh - Thanh Trung Quốc, ông Vinh còn là chủ nhân của khoảng 300 bình vôi với những niên đại khác nhau trong đó có "ông bình vôi khổng lồ" nặng trên 10kg, niên đại thế kỷ 19. Nếu gọi ông Vinh là một trong những người có bộ sưu tập bình vôi cổ lớn nhất Việt Nam cũng không hề sai vì ngay cả dân sưu tầm sành sỏi cũng ít biết có ai sở hữu một con số lớn hơn thế.
Đổi nhà lấy bình quý
Bước vào nhà đã thấy chiếc bình đời Minh nằm sừng sững trong một lồng kính trên bàn. Hỏi, ông bảo "nó có giá bằng cả hai ngôi nhà đấy!". Chỉ biết cách đây vài năm, ông đã phải đầu tư rất nhiều để "sang ngang" chiếc bình ấy, con số chỉ được nói lấp lửng là vài trăm ngàn USD!.
Ông tự nhận cái sở thích ấy là "ngông". Một chuyên gia về tài chính và quản trị kinh doanh lại không buôn bán cổ vật, không sưu tầm đồ cổ vì lợi nhuận? Ông Vinh giải thích: "Tôi được lợi nhiều lắm, đó không phải lợi nhuận về mặt kinh tế mà về mặt tâm lý, văn hoá, lợi đâu chỉ tính bằng tiền".
Ông nhận mình là người thích và chấp nhận rủi ro, có lẽ vì cái sở thích lạ đời và ngông nghênh ấy mà ông dám bán tài sản ở Mỹ để đổi lấy một chiếc bình gốm sứ độc đáo thời Minh. "Rủi ro nhiều chứ, hồi trẻ tôi mua phải đồ giả nhiều lắm. Mỗi lần phát hiện mình mua lầm thì vừa thấy đau khổ, vừa thấy xấu hổ".
Đôi khi, ông ví von về cái thời nghèo khó của mình: "Trong quá khứ có nhiều món tôi muốn mua mà không mua nổi. Ví như khi mình còn trẻ chỉ thích chơi với những cô gái đẹp, thông minh nhưng các cô ấy không chơi với mình thì cũng đành chịu chứ làm sao".
Ông Vinh cũng không giấu giếm ước mơ sẽ mở một bảo tàng tư nhân khi về già và rất muốn tổ chức những cuộc đấu giá cổ vật ở VN. "Ở VN, các bảo tàng rất ít được hỗ trợ, chưa mang đúng ý nghĩa là trung tâm văn hoá cộng đồng mà mới chỉ dừng lại ở ý nghĩa trưng bày. Trên thế giới, các đại gia, các tập đoàn lớn đang đổ tiền để mua lại những sản phẩm văn hoá rồi tặng lại cho bảo tàng trong nước. Vậy tại sao ta không tổ chức các cuộc đấu giá cổ vật công khai? Đó còn là một cách để chống nạn xuất lậu cổ vật và giúp chính phủ tăng nguồn thu từ việc giám định hay thu thuế".
Ông Vinh vừa đề xuất với một số tổ chức, thân hữu trong và ngoài nước tham gia tổ chức đấu giá để có thể giúp bảo tàng có thêm cổ vật và công chúng có dịp chiêm ngưỡng thêm cổ vật quý hiếm. Lý lẽ ông đưa ra thật đơn giản và hoàn toàn thuyết phục: "Tại sao người ta có thể bỏ ra 600 triệu đồng mua một cái SIM điện thoại làm từ thiện mà lại không thể trả giá thật cao một món đồ cổ với mục đích văn hoá sâu sắc hơn nhiều, rồi tặng lại cho các bảo tàng?"
Theo VNN