Khai giảng năm học 2022-2023: Nhiều ý nghĩa với quyết tâm cao
Giáo dục - Ngày đăng : 15:54, 05/09/2022
Sau hai năm ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, ngành Giáo dục bước vào năm học mới với quyết tâm cao để hoàn thành “nhiệm vụ kép” là bảo đảm an toàn cho học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục.
Lễ khai giảng ngắn gọn, ý nghĩa
Ghi nhận chung của phóng viên Báo Hànộimới tại các trường học trong sáng 5-9, lễ khai giảng năm học mới diễn ra ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa, không chỉ với thầy và trò, mà còn với nhiều phụ huynh học sinh và nhân dân Thủ đô.
Có mặt tại cổng Trường Trung học cơ sở Giảng Võ (quận Ba Đình) từ sớm, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, phụ huynh học sinh của trường cho biết: “Sau hai năm chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19, nay các con đã được trở lại trường học với trọn vẹn niềm vui ngay từ lễ khai giảng. Không chỉ riêng con, cả đêm qua, cả nhà cùng thao thức, háo hức chờ đón ngày khai giảng. Chứng kiến cảnh các cô, trò quây quần, ríu rít chuyện trò và sự chuẩn bị chu đáo của nhà trường về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cũng như việc sắp xếp thời khóa biểu hợp lý, trong đó chú trọng việc bồi dưỡng, hỗ trợ học sinh về mọi mặt sau những ảnh hưởng của dịch bệnh, tôi thực sự yên tâm và tin tưởng các con sẽ có một năm học mới thành công”.
Vui mừng, háo hức là tâm trạng chung của rất nhiều học sinh trên địa bàn Thủ đô. Em Trần Khánh Ly, học sinh lớp 10 Trường Trung học phổ thông Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) chia sẻ: “Em bước vào năm đầu tiên của cấp trung học phổ thông nên có chút bỡ ngỡ khi thay đổi trường, lớp. Tuy nhiên, niềm vui được cùng các bạn dự lễ khai giảng sau thời gian dài khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh giúp chúng em gần nhau hơn. Chúng em cùng hứa quyết tâm học tập tốt, thực hiện đúng quy định phòng, chống dịch Covid-19 để được an toàn”.
Đúng 7h30, lễ khai giảng diễn ra đồng loạt tại các trường học trên địa bàn Hà Nội. Với trẻ mầm non, tùy tình hình thực tế, lễ khai giảng được tổ chức theo hình thức ngày hội đến trường. Dù ở cấp học nào, buổi lễ đều được tổ chức nhanh gọn, trong khoảng 45 phút đến 1 tiếng nhưng vẫn đầy đủ các nghi lễ trang trọng như chào cờ, nghe Thư của Chủ tịch nước, diễn văn khai giảng thể hiện quyết tâm phấn đấu của thầy và trò, đánh trống khai giảng... Sau lễ khai giảng là tới phần hội. Học sinh được xem biểu diễn văn nghệ, tham gia trò chơi dân gian, hoạt động tập thể...
Cô giáo Vũ Bích Nguyệt, lớp 1E, Trường Tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) cho biết, dù năm nào cũng đón học sinh lớp 1, nhưng mỗi năm, cô và trò đều có niềm hân hoan riêng. Điểm mới so với các năm trước là học sinh lớp 1 năm nay được tựu trường sớm hơn, 2 tuần trước ngày khai giảng. Vì thế, dù các con có nhiều thiệt thòi do ảnh hưởng của dịch bệnh khi ở cấp mầm non, nhưng đến nay đã có sự chuẩn bị khá tốt về mọi mặt. Lễ khai giảng diễn ra nhanh gọn nhưng vẫn mang đến không khí ấm áp, gần gũi và phấn khởi, giúp các con có tâm lý tốt nhất để bước vào năm học mới.
Chung sức hỗ trợ học sinh
Năm học 2022-2023 được dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn do những ảnh hưởng của dịch Covid-19. Kiên trì mục tiêu đổi mới theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, trong đó trọng tâm của năm học mới là đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, ngành Giáo dục Hà Nội đã nỗ lực chung sức hỗ trợ để học sinh có điều kiện học tập tốt nhất.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh thông tin, dù còn nhiều khó khăn, song để chuẩn bị cho năm học mới, các trường học thuộc huyện Ba Vì đều được đầu tư, cải tạo khang trang, hiện đại và đạt chuẩn. Niềm vui đón năm học mới của học sinh và nhân dân huyện Ba Vì như được nhân lên gấp nhiều lần khi được bàn giao, đưa vào sử dụng 5 trường học mới. Đây là những trường học được xây dựng ở địa điểm mới rộng rãi, thuận tiện hơn cho việc di chuyển của học sinh ở các xã. Cả 5 trường đều được cắt băng khánh thành trong ngày khai giảng, gồm: Tiểu học Đồng Thái, Trung học cơ sở Phú Đông, Mầm non Cổ Đô, Mầm non Tản Hồng và Mầm non Cam Thượng. Như vậy, tính đến nay, quy mô giáo dục của huyện Ba Vì đã phát triển lên 111 trường học với hơn 60.000 học sinh. Các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên phục vụ cho các khối lớp thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng đã sẵn sàng.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mỹ Đức Lê Văn Hiến cũng thông tin, cùng với hàng trăm phòng học mới được cải tạo, UBND huyện Mỹ Đức cũng vừa khánh thành Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Mỹ Đức. Đây là trường liên cấp, hoạt động theo mô hình trường chất lượng cao đầu tiên của huyện, giúp học sinh huyện Mỹ Đức và địa bàn lân cận được tiếp cận với các chương trình giáo dục tiên tiến, phương pháp dạy học hiện đại, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở các nhà trường. Việc đầu tư cho chất lượng giáo dục đại trà, nhất là với các khối lớp học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tiếp tục được coi trọng.
Còn Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quốc Oai Nguyễn Khắc Thắng cho hay, thầy và trò toàn ngành quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ năm học với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới; củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”. Phát huy thành tích trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 là có học sinh thủ khoa toàn quốc với 30/30 điểm khối A00, năm học mới, các nhà trường tập trung đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lấy học sinh làm trung tâm, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn.
Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các trường học trên địa bàn thành phố đã hoàn thành việc tổ chức lễ khai giảng năm học 2022-2023 theo đúng chỉ đạo, bảo đảm an toàn và để lại nhiều ấn tượng. Toàn ngành quyết tâm thực hiện tốt Chỉ thị số 1112/CT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023.
Bên cạnh đó, triển khai Chỉ thị số 14/CT-TTg về việc tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông, ngành Giáo dục Hà Nội đã cụ thể hóa bằng nhiều giải pháp, như: Bảo đảm đủ sách giáo khoa cho học sinh; trang bị bổ sung thiết bị dạy học, ưu tiên cho các khối lớp thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; tăng cường hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn...
Xác định hệ lụy của dịch Covid-19 có thể khiến không ít học sinh còn khó khăn trong học tập, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã quán triệt tới tất cả trường học thi đua dạy tốt, học tốt và kiểm tra, đánh giá thực chất ngay từ những ngày đầu năm học mới, quan tâm học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bồi dưỡng thường xuyên cho học sinh bị rỗng kiến thức..., từ đó tạo nền nâng cao chất lượng giáo dục đại trà.