Tăng cường kiểm soát khâu biên soạn sách giáo khoa
Giáo dục - Ngày đăng : 14:52, 29/09/2022
Nhìn lại những dấu mốc thay sách giáo khoa, đánh giá những ưu, nhược điểm để cùng tìm giải pháp có được những cuốn sách giáo khoa tốt nhất cho học sinh là mục tiêu của sự kiện. Tăng cường kiểm soát quá trình biên soạn sách giáo khoa là một trong các giải pháp được triển khai để nâng hiệu quả thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Nhìn lại các mốc thay sách giáo khoa
Từ 8h sáng, khu trưng bày sách giáo khoa giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì với sự tham gia của các nhà xuất bản đã thu hút rất đông khách tham quan. Cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh được trải nghiệm tại các bàn trưng bày, nghe giới thiệu và tìm hiểu về lịch sử phát triển sách giáo khoa giáo dục phổ thông Việt Nam qua các thời kỳ, theo các mốc thay sách qua các năm: 1957, 1981, 2002, 2020. Tại đây cũng có bàn trưng bày, giới thiệu sách giáo khoa của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới như: Lào, Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh...
Một số sách được giải thưởng quốc gia và sách giáo khoa điện tử thuộc các bộ sách hiện hành cũng được trưng bày, giới thiệu.
Em Nguyễn Trần Thái An, học sinh lớp 10 Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân (quận Thanh Xuân) háo hức cho biết: “Em thấy sách giáo khoa mới lớp 10 có màu sắc và trình bày đẹp, hấp dẫn hơn so với sách lớp 10 hiện hành. Điểm mới của sách giáo khoa lớp 10 năm nay so với các năm trước là có thêm phiên bản điện tử, giúp chúng em có thể đọc sách, tìm hiểu bài bất cứ lúc nào...”.
Đáng chú ý, hoạt động trưng bày còn cung cấp các thông tin so sánh về quy cách của sách giáo khoa Việt Nam và của các nước theo một số tiêu chí cụ thể. Tại khu trưng bày còn có bàn giới thiệu các hoạt động thực hành với sách giáo khoa đang được một số nước trên thế giới thực hiện. Đây là khu thu hút khá nhiều giáo viên các trường phổ thông của 63 tỉnh, thành phố tham gia tìm hiểu.
Tăng cường kiểm soát khâu biên soạn sách
Sự kiện thu hút sự quan tâm của nhiều người là hội thảo về công tác biên soạn, xuất bản và sử dụng sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh một số điểm mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 so với chương trình hiện hành là được thiết kế theo hướng mở; mỗi môn học có một số sách giáo khoa; việc biên soạn sách giáo khoa được thực hiện xã hội hóa nhằm huy động nhiều lực lượng tham gia viết sách để học sinh được học những cuốn sách tốt nhất...
Đã có gần 1.600 tác giả tham gia biên soạn sách giáo khoa cho 6 khối lớp đang thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (gồm lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10). Các tác giả đều đã được tập huấn về biên soạn sách giáo khoa và đạt tiêu chuẩn cá nhân viết sách giáo khoa theo quy định; hơn 2/3 số này có trình độ từ tiến sĩ trở lên.
Bức tranh khá toàn diện của việc biên soạn, xuất bản và sử dụng sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới được tái hiện qua ý kiến của các đơn vị, cá nhân. Đánh giá chung, dù còn nhiều khó khăn, chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa đã huy động được nhiều tổ chức và nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia tham gia công tác biên soạn. Dù vậy, chất lượng một số sách giáo khoa chưa đáp ứng yêu cầu xã hội; giá sách còn cao; việc lựa chọn sách giáo khoa ở một số địa phương chậm, ảnh hưởng đến tiến độ cung ứng... Một số ngữ liệu đưa vào sách giáo khoa còn gây băn khoăn trong dư luận; việc phê duyệt danh mục sách giáo khoa chậm, gây khó khăn cho khâu lựa chọn sách.
Để giải quyết căn bản những hạn chế nêu trên, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Xuân Thành cho biết, Bộ sẽ triển khai nhiều giải pháp quyết liệt hơn. Theo đó, sách giáo khoa mới sẽ tinh giản tối đa kênh chữ, kênh hình để giảm giá thành; tăng cường kiểm soát quá trình biên soạn ngay từ việc lựa chọn tác giả, biên soạn và thực nghiệm bài dạy minh họa. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ thẩm định và phê duyệt sách giáo khoa, dành thời gian nhiều hơn để địa phương nghiên cứu, lựa chọn sách giáo khoa; tăng cường tiếp nhận ý kiến đề xuất lựa chọn sách từ cơ sở.
Góp thêm giải pháp nhằm cung ứng kịp thời sách giáo khoa cho học sinh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng Đỗ Văn Lợi đề xuất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phê duyệt, công bố cùng thời điểm các bộ sách giáo khoa; các nhà xuất bản cũng cần chủ động hơn trong việc phối hợp với địa phương tổ chức giới thiệu, tập huấn sử dụng sách, tránh tình trạng tập huấn xong mới có sách...
Nhà giáo ưu tú Ngô Trần Ái, Công ty cổ phần Đầu tư xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để tham mưu Quốc hội quyết định vấn đề quản lý sách giáo khoa cho sát thực tế; có chính sách khuyến khích các nhà xuất bản, doanh nghiệp làm, phát hành sách giáo khoa tặng học sinh nghèo.
“Chính phủ chi ngân sách cho thư viện trường học mua sách giáo khoa để học sinh mượn. Như vậy, học sinh không phải mua sách; hằng năm, các nhà xuất bản cũng không cần in lại sách, trừ một số lượng nhỏ đáp ứng yêu cầu của các gia đình có nhu cầu. Đây là kế sách căn bản, lâu dài để hằng năm không còn ý kiến băn khoăn về giá sách giáo khoa”, nhà giáo Ngô Trần Ái kiến nghị.