Xây dựng trường chuẩn quốc gia năm 2022: Tăng tốc để về đích đúng hẹn

Giáo dục - Ngày đăng : 06:11, 12/10/2022

(HNM) - Một trong những phần việc trọng tâm của ngành Giáo dục Thủ đô và các địa phương trong quý IV-2022 là hoàn thành xây dựng 70 trường mầm non, phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia. Kết quả của năm 2022 sẽ tạo đà cho những năm tiếp theo, để đạt từ 80% đến 85% số trường đạt chuẩn quốc gia vào năm 2025 như mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đề ra. Trước áp lực đó, các đơn vị đang tập trung nguồn lực, khắc phục khó khăn để tăng tốc ở chặng cuối, quyết tâm về đích đúng hẹn.

Trường Mầm non Quang Minh A (huyện Mê Linh) - trường đạt chuẩn quốc gia vừa hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động năm 2022. Ảnh: Nguyễn Quang

Cơ bản hoàn thành 57% kế hoạch năm

Ngày 8-10, Trường Tiểu học Ngọc Hà (quận Ba Đình) vinh dự được gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2022). “Niềm vui này nhân lên gấp bội, bởi sau gần 70 năm thành lập, đến nay, nhà trường đã được đầu tư khang trang, có đầy đủ phòng học, phòng chức năng theo 5 tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia. Mối lo lớn nhất của chúng tôi về các nguy cơ mất an toàn đã được giải tỏa”, bà Nguyễn Thị Lan, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Ngọc Hà chia sẻ.

Nhìn lại chặng đường xây dựng trường chuẩn quốc gia của quận Ba Đình, thấy rõ sự chuyển biến ở nơi đây. Trước năm 2020, Ba Đình mới có 24 trường đạt chuẩn, xếp thứ 29/30 quận, huyện, thị xã về tỷ lệ trường đạt chuẩn. Khó khăn cơ bản của quận là quy mô học sinh ngày càng tăng, dẫn tới sĩ số học sinh/lớp cao. Với sự ưu tiên dành quỹ đất cho giáo dục và tăng cường nguồn lực đầu tư, nhiều trường học đã có diện mạo mới, khang trang và đạt chuẩn. Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình Lê Đức Thuận, với việc Trường Tiểu học Ngọc Hà được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn quốc gia, Ba Đình đã hoàn thành kế hoạch năm 2022. Hiện tại, toàn quận có 41 trường đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 84%, tăng 24 bậc xếp hạng về kết quả xây dựng trường chuẩn.

Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho thấy, đến ngày 30-9-2022, toàn thành phố có 1.503 trường công lập đạt chuẩn, chiếm 67,3% tổng số trường công lập. Để đạt mục tiêu có từ 80% đến 85% số trường công lập đạt chuẩn quốc gia vào năm 2025 như Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đề ra, năm 2022, thành phố giao các địa phương xây dựng 70 trường chuẩn. Đến ngày 30-9, có 20 trường được công nhận đạt chuẩn, 20 trường đang trong quy trình đánh giá ngoài và kiểm định chất lượng trước khi làm hồ sơ trình UBND thành phố Hà Nội ban hành quyết định công nhận. Như vậy, 57% số trường trong kế hoạch năm nay đã cơ bản hoàn thành.

Theo ghi nhận, hầu hết đơn vị đều đang ở chặng cuối của việc hoàn thiện các hạng mục đầu tư để sớm đề nghị được công nhận đạt chuẩn. Trong đó, quận Cầu Giấy phấn đấu có 6 trường được công nhận đạt chuẩn; quận Hai Bà Trưng quyết tâm hoàn thành 2 trường chuẩn; quận Bắc Từ Liêm đặt mục tiêu được công nhận 3 trường…

Một tiết học của học sinh Trường Trung học cơ sở Chu Văn An (quận Tây Hồ) - cơ sở giáo dục vừa được đầu tư, nâng cấp đạt chuẩn quốc gia. Ảnh: Đỗ Tâm

Ngoại thành nỗ lực 

Chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm 2022, đòi hỏi các đơn vị đẩy nhanh tiến độ để về đích đúng hẹn và các huyện ngoại thành đang nỗ lực vì mục tiêu này.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lâm Hoàng Việt Cường khẳng định, huyện sẽ hoàn thành xây dựng 2 trường chuẩn quốc gia (Trường Mầm non Trung Mầu và Trường Mầm non thị trấn Yên Viên) theo chỉ tiêu được giao năm 2022. Hai trường này được mở rộng diện tích lên gấp đôi; các hạng mục xây dựng và đầu tư đều đang được đẩy nhanh tiến độ. Khi 2 trường này được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn, huyện Gia Lâm sẽ có 76 trường đạt chuẩn trong tổng số 79 trường công lập trên địa bàn.

Với sự hỗ trợ của thành phố, huyện Ba Vì đã huy động nguồn lực để tập trung xây dựng thêm nhiều trường đạt chuẩn. “Năm nay, thành phố giao xây dựng 8 trường chuẩn, nhưng huyện phấn đấu xây dựng 18 trường. Đến hết tháng 9, có 7 trường đã được kiểm tra đánh giá ngoài, 2 trường chờ được kiểm tra trong tháng 10, số còn lại đang gấp rút hoàn thiện điều kiện để đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra vào tháng 11 và tháng 12. Các trường này đều đã đạt 4/5 tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia, huyện đang tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, bảo đảm hoàn thành kế hoạch năm”, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh thông tin.

Trong khi đó, huyện Thanh Trì đã có 2 trong tổng số 4 trường trong kế hoạch năm 2022 được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kiểm tra đánh giá ngoài, 2 trường còn lại đã cơ bản hoàn thành, dự kiến đón đoàn kiểm tra trong tháng 10, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì Phạm Văn Ngát cho biết, 3 trong số 4 trường nói trên được ưu tiên đầu tư kinh phí để xây dựng mới hoàn toàn với hệ thống phòng học, phòng chức năng, thiết bị dạy học hiện đại, đạt chuẩn. Với 4 trường được công nhận đạt chuẩn vào cuối năm 2022, toàn huyện sẽ có 62/73 trường chuẩn, đạt gần 85%.

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 236/KH-UBND về xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2022-2025, trong đó nêu rõ các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan tập trung thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới trường, lớp; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; nâng cao chất lượng giáo dục… Đáng chú ý, giải pháp quan trọng đầu tiên được nêu là tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc triển khai, huy động nguồn lực xây dựng trường chuẩn quốc gia, quyết tâm hoàn thành mục tiêu có từ 80% đến 85% số trường chuẩn vào năm 2025.

Thống Nhất