Chú trọng kiểm định chất lượng theo chuẩn quốc tế
Giáo dục - Ngày đăng : 07:12, 28/10/2022
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh, về công tác tự đánh giá chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo tiêu chuẩn trong nước, có 37/44 trường cao đẳng tự đánh giá, đạt tỷ lệ 84,09%; 40/55 trường trung cấp tự đánh giá, đạt 72,72%; 13/24 trường cao đẳng công lập tự đánh giá, đạt 54,16%; có 5/21 trường trung cấp công lập đã được kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đạt 23,8%. Riêng đối với các trường có ngành nghề trọng điểm theo Quyết định số 1769/QĐ-LĐTBXH ngày 25-11-2019 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt ngành, nghề trọng điểm; trường được chọn ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025, thành phố Hồ Chí Minh có 10/14 trường đang đánh giá, 4/14 trường chưa thực hiện đánh giá. Hiện chưa có trường nghề tư thục nào được đánh giá.
Với đánh giá kiểm định chất lượng quốc tế, trong hệ thống trường nghề công lập tại thành phố Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng đã được Hội đồng Kiểm định kỹ thuật và công nghệ Mỹ (Accreditation Board for Engineering and Technology - ABET) công nhận các ngành nghề, gồm: Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử và công nghệ kỹ thuật cơ khí. Với trường cao đẳng ngoài công lập, chỉ có một ngành duy nhất là ngành Quản trị khách sạn của Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn được kiểm định quốc tế.
Lý giải về việc còn rất ít trường và chương trình được các tổ chức kiểm định quốc tế công nhận, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề thành phố Hồ Chí Minh Trần Kim Tuyền cho rằng, kinh phí là một rào cản vô cùng lớn để các trường có thể tiếp cận kiểm định quốc tế. “Chúng tôi cũng đã xây dựng đề án cho 2 ngành Điện tử và Cơ khí để mời ABET đánh giá. Riêng chi phí kiểm định là 68.000USD, chưa kể tiền đầu tư cho chương trình đào tạo, cơ sở vật chất đáp ứng đúng tiêu chuẩn, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, giảng viên, mời chuyên gia... Đây là số tiền lớn, không phải trường nào cũng có”, ông Trần Kim Tuyền chia sẻ.
Để công tác kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, nhất là kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế được đẩy mạnh trong thời gian tới, Trưởng phòng Kiểm định và Công nhận chất lượng (Cục Kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Hoàng Mạnh Tiến cho hay, các nhà trường cần nhận thức đúng giá trị của hoạt động kiểm định. Theo đó, cần xác định kiểm định chất lượng quốc tế không chỉ là thước đo thể hiện trường bảo đảm chất lượng đào tạo mà còn thu hút các tập đoàn, công ty đa quốc gia tuyển dụng sinh viên, học viên của nhà trường; người học có thể chuyển tiếp quốc tế lên bậc học cao hơn...
Đồng tình với nhận định này, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng Lê Đình Kha chia sẻ, nhờ chất lượng đào tạo bảo đảm, được tổ chức kiểm định quốc tế chứng nhận mà nhà trường được sinh viên, phụ huynh tin tưởng. Đặc biệt, năm học 2022-2023, nhà trường đã ngừng tuyển sinh từ ngày 10-9 mà không cần chờ kết quả tuyển sinh đại học vì đã đủ chỉ tiêu với điểm chuẩn cao.
Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh) Đặng Minh Sự cho biết, kiểm định chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế là xu hướng, khẳng định uy tín thương hiệu của trường, tạo niềm tin cho phụ huynh, học sinh và doanh nghiệp. Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đối với các trường nghề công lập, sẽ bắt buộc kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; 100% ngành nghề trọng điểm thành phố đến năm 2025 phải thực hiện kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn của Bộ.
"Đến năm 2025, thành phố Hồ Chí Minh có 5 chương trình đào tạo phải thực hiện kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế hoặc khu vực. Các trường cần quan tâm và quyết liệt hơn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường nguồn lực thực hiện công tác kiểm định chất lượng, nhất là kiểm định quốc tế để nâng cao vai trò, vị thế và chất lượng hoạt động của nhà trường", ông Đặng Minh Sự thông tin thêm.