Làng Thủ Lệ

Xã hội - Ngày đăng : 07:20, 01/05/2006

(HNMĐT) - Làng Thủ Lệ nằm ở góc giữa đường : Bưởi - Cầu Giấy (gắn với sông Tô Lịch ở phía Tây, cũng là ranh giới giữa quận Ba Đình với huyện Từ Liêm cũ - nay là quận Cầu Giấy) với Kim Mã - Cầu Giấy (phía Nam, ranh giới giữa quận Ba Đình và quận Đống Đa).

(HNMĐT) - Làng Thủ Lệ nằm ở góc giữa đường : Bưởi - Cầu Giấy (gắn với sông Tô Lịch ở phía Tây, cũng là ranh giới giữa quận Ba Đình với huyện Từ Liêm cũ - nay là quận Cầu Giấy) với Kim Mã - Cầu Giấy (phía Nam, ranh giới giữa quận Ba Đình và quận Đống Đa).

Phía Bắc ngăn cách với khu cư trú làng Cống Vị bởi một con đường nhỏ. Phía Đông tiếp giáp với “cánh đồng Lác” của làng Vạn Phúc. Cánh đồng này vào những năm 80 của thế kỷ trước là bãi đổ rác của thành phố, nay được cải tạo thành đường Đào Tấn và nhiều cơ quan lớn như Viện Vật Lý, trường THCS Thăng Long...

Tương truyền, làng Thủ Lệ hình thành từ thời Lý, có tên ban đầu là Trại Chợ (Thị Trại). Trong làng khi ấy có một người phụ nữ làm cung phi, sinh ra Hoàng tử Hoàng Chân. Vị Hoàng tử này lớn lên đã tham gia trận đánh chống quân xâm lược Tống trên phòng tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu) năm Bính Thìn (1076). Ông đã hy sinh trên chiến trường, được Vua phong làm Phúc thần “Linh Lang đại vương” và cho dân Trại Chợ được lập đền thờ cúng, trở thành dân thủ lệ của nhà vua (tức dân được miễn các khoản thuế, phu phen, tạp dịch để chuyên việc thờ thần). Tên gọi “Thủ Lệ” xuất phát từ việc này. Đền có hai con voi to nằm phủ phục ngoài cổng nên dân gian thường gọi là đền Voi Phục.

Thủ Lệ là một làng nhỏ, diện tích (cả thổ canh, thổ cư, bãi tha ma) chưa đầy 100 mâu Bắc Bộ; dân số (năm 1926) chưa đầy 250 suất đinh (khoảng trên 500 nhân khẩu), song trước Cách mạng Tháng Tám 1945 cũng chia làm ba giáp : Nhất - Nhì - Ba, trong đó giáp Nhất đông hơn cả, còn giáp Ba chỉ chừng hơn 20 suất đinh. Hai họ được coi là “gốc” là họ Nguyễn và họ Trương, song đều là các họ nhỏ. Dân làng xa xưa sống chủ yếu bằng làm ruộng, trên phần ruộng công (mỗi suất đinh được chia 3 - 4 sào), chủ yếu là trồng lúa, khoai, đỗ, bầu bí; ngoài ra, dân làng còn kiếm sống bằng đánh bắt cá trong các hồ lớn quanh vùng. Tuy nhiên, trước Cách mạng, Thủ Lệ là một làng nghèo, vì không có nghề phụ (cả các nghề mộc, nề) như ở các làng bên, phụ nữ không tham gia buôn bán, trong làng không có người học hành đỗ đạt, làm quan, thời Pháp thuộc chỉ có vài người làm viên chức; khi Cải cách ruộng đất không có ai thuộc thành phần phú nông, địa chủ vì ruộng tư hầu như không có.

Đầu thế kỷ XIX, Thủ Lệ là một trại tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận thuộc phủ Hoài Đức (từ năm 1831 trở đi thuộc tỉnh Hà Nội). Thời Pháp thuộc, có thời kỳ làng nhập với làng Cống Vị thành một xã. Từ đầu năm 1915, làng thuộc huyện Hoàn Long (tỉnh Hà Đông), đến năm 1942 đổi thành Đại lý đặc biệt Hà Nội. Trong kháng chiến chống Pháp, làng nhập với các làng Vĩnh Phúc, Cống Vị thành xã Phúc Lệ thuộc quận I (từ năm 1961 là khu phố Ba Đình), ngày nay Thủ Lệ là một bộ phận của phường Cống Vị, quận Ba Đình.

Ngoài ngôi đền Voi Phục, làng Thủ Lệ còn có ngôi đình cùng thờ Linh Lang đại vương, song làng không có chùa nên các vãi phải đi lễ Phật ở chùa hai làng Kim Mã và Vĩnh Phúc bên cạnh. Hội làng diễn ra vào ngày 19 tháng Hai.

Vào ngày 19 - 5 - 1883, trong khi tên tướng thực dân Hăng ri Ri - vi - e đền tội tại Cầu Giấy thì tên quan Ba Pháp là Banny cũng bỏ mạng ngay tại cổng đền Thủ Lệ.

Ngày nay, Thủ Lệ trở thành khu dân cư sầm uất nằm bên cạnh Công viên - vườn thú Thủ Lệ, một địa chỉ du lịch văn hóa lớn của Thủ đô Hà Nội, thu hút khách các nơi về thăm.

Tiến sĩ Bùi Xuân Đính

ANHTHU