Trận oanh kích sân bay Tân Sơn Nhất

Chính trị - Ngày đăng : 08:34, 28/04/2006

5 giờ chiều ngày 28-4-1975, có một biên đội máy bay A37 do Mỹ sản xuất đã ném bom xuống sân bay Tân Sơn Nhất làm hiệu lệnh tấn công và nổi dậy của các LLVT giải phóng miền Nam. Đó là Phi đội Quyết thắng do các phi công QĐNDVN lái, bí mật bất ngờ tấn công khiến Mỹ - ngụy trở tay không kịp.

5 giờ chiều ngày 28-4-1975, có một biên đội máy bay A37 do Mỹ sản xuất đã ném bom xuống sân bay Tân Sơn Nhất làm hiệu lệnh tấn công và nổi dậy của các LLVT giải phóng miền Nam. Đó là Phi đội Quyết thắng do các phi công QĐNDVN lái, bí mật bất ngờ tấn công khiến Mỹ - ngụy trở tay không kịp.

12 giờ đêm hôm đó, Đại sứ Mỹ phải ra lệnh rút tất cả người Mỹ ra khỏi Việt Nam, bắt đầu một cuộc di tản hỗn loạn của người Mỹ và đám tay sai… Đại tá Từ Đễ – Phó Cục trưởng Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu QĐNDVN, kể lại:

Ngày 19-4-1975 Bộ Tư lệnh quân chủng Phòng không – Không quân (PK-KQ) nhận lệnh: Chuẩn bị 1 lực lượng Không quân tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam. Ta quyết định dùng A-37 của địch để đánh chúng nhằm tạo yếu tố bí mật, bất ngờ. Các phi công xuất sắc nhất Trung đoàn Anh hùng 923 gồm: Nguyễn Văn Lục - Phi đội trưởng, Trần Cao Thăng - Chính trị viên, Từ Đễ - phi đội phó, Vũ Khởi Nghĩa, Tạ Đông Trung và Mai Xuân Vượng được tham gia. Chúng tôi tích cực nghiên cứu lý thuyết của loại A-37 dưới sự chỉ huy, huấn luyện trực tiếp của đồng chí Phạm Ngọc Lan.

Ngày 25-4 anh Nguyễn Thành Trung ra Đà Nẵng huấn luyện cùng phi đội. Anh Trung thực hiện bay phục hồi một chuyến. Sở chỉ huy thấy phi đội bay đã chuẩn bị tốt, tất cả đã sẵn sàng. Trưa 27-4 chúng tôi tới sân bay Phù Cát bằng 1 chiếc A-37 và AN-24.

Bộ Tư lệnh Quân chủng quyết định chọn sân đỗ máy bay trên sân bay Tân Sơn Nhất làm mục tiêu cho máy bay ta oanh kích. Đòn táo bạo này ta đánh thẳng vào trung tâm sào huyệt của địch, cơ sở cuối cùng tổ chức di tản của chúng. Tối 27-4 chi bộ phi đội bay chúng tôi họp ra nghị quyết: Đơn vị kiên quyết hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cấp trên phê chuẩn cho 5 phi công: Nguyễn Văn Lục, Từ Đễ, Nguyễn Thành Trung, Mai Xuân Vượng, Hán Văn Quảng và phi công ngụy Trần On tham gia trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất.

Sáng 28-4, phi đội 5 chiếc A37 bay từ Bình Định vào sân bay Phan Rang. 10 giờ sáng hạ cánh an toàn. 1 giờ chiều cả phi đội lên gặp Tư lệnh Quân chủng Lê Văn Tri, nhận nhiệm vụ: Nguyễn Thành Trung thông thạo địa hình bay dẫn đường và có nhiệm vụ cắt bom làm 2 đợt đánh dấu khu vực oanh kích cho anh em bay sau rải thảm.

16 giờ 25 phút: Lệnh cất cánh! Chúng tôi lần lượt vút lên không trung. Thành Trung số 1, Từ Đễ số 2, Lục số 3, Vượng và On số 4, Quảng số 5. Đội hình hàng dọc, khoảng cách 150-200m để dễ cơ động. Chúng tôi phải bay rất thấp để tránh ra-đa địch phát hiện nên khá tốn dầu. Ra đến tận Vũng Tầu, chúng tôi bắt đầu lấy độ cao, bầu trời phía trước vẫn đầy mây. Dưới đất có một đám cháy lớn – sân bay Biên Hòa đang bị tấn công. Bay một quãng. Đây rồi! Sân bay Tân Sơn Nhất nằm lọt giữa hai đám mây khổng lồ. Thành Trung hô:

- Bật công tắc quân giới, kéo dài đội hình. Thấy rõ sân bay ở bên trái chưa ? Số 1 vô ! - Anh bổ nhào cắt bom.

Có tiếng hốt hoảng trong bộ đàm vang lên:

- Xin cho biết A-37 của phi đoàn nào ? Xin cho biết A-37 của phi đoàn nào ?

Địch đã phát hiện ra máy bay không có trong lịch bay. Anh Trung kêu:

- Bom không ra! Rồi vọt lên lấy độ cao để bổ nhào lần 2.

Tôi bổ nhào cắt bom. Bốn quả bom lần lượt nổ. Khói bốc mù mịt. Anh Lục số 3 cũng bổ nhào, nhưng cũng chỉ ra có 2 trái bom ra. Lục vọt lên lấy độ cao để thực hiện cắt lần 2. Các số 4,5 lần lượt cắt bom. Những trái bom đều trúng đích. Thành Trung bổ nhào lần 2. Bom vẫn không ra. Chúng tôi vòng lại bắn yểm trợ cho anh. Lần thứ 3, Trung phải thực hiện cắt khẩn cấp. Cả 4 quả bom cùng giá treo rời khỏi máy bay một lúc. Một cột khói bốc cao giữa bãi đậu máy bay tiêm kích F-5 của địch. Lục thao tác lần 2, bom vẫn không ra được đành phải quay về vì nhiên liệu sắp cạn. Sân bay Tân Sơn Nhất lúc ấy bị trùm trong khói lửa. Địch thông báo qua vô tuyến điện:

- Sân bay Tân Sơn Nhất đang bị oanh kích!

Chúng tôi bay về. Đến Phan Rang, tôi xin phép hạ cánh trước vì dầu đã cạn. Xuống đến sân bay, đồng hồ báo nhiên liệu ngừng hoạt động. Tôi cho máy bay chạy theo quán tính dạt vào một bên để anh em tiếp tục hạ cánh. Thành Trung cũng xin hạ cánh khẩn cấp vì hết nhiên liệu. Anh Lục bay thêm một vòng trên sân bay để yểm hộ cho anh em. Hán, Quảng hạ cánh an toàn. Lục hạ cánh sau cùng. Lúc đó là 18 giờ 15 phút ngày 28-4-1975. Chúng tôi ôm lấy nhau, hạnh phúc dâng đầy. Trận ấy, Biên đội chúng tôi đã phá hủy, làm hư hỏng nặng cụm máy bay tập trung ở khu vực sân đỗ gồm 24 chiếc A-37 và F-5E, 4 chiếc vận tải, diệt hàng trăm tên địch.

Đại tá Từ Đễ kể

Tâm Bắc ghi

ANHTHU