Đột phá để hình thành trung tâm giáo dục chất lượng cao
Giáo dục - Ngày đăng : 07:32, 06/11/2022
Học sinh Thủ đô đang khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Song, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cho hay, nhìn tổng thể, cơ sở vật chất phục vụ giáo dục - đào tạo còn chậm được cải thiện, chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội. Việc thu hút nguồn lực đầu tư từ xã hội cho giáo dục, hợp tác, liên kết quốc tế về giáo dục và đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và học gặp nhiều rào cản về thể chế.
Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được ngành Giáo dục phối hợp với Bộ Tư pháp triển khai thực hiện. Trong các chính sách đề xuất đưa vào Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này, theo ông Nguyễn Quang Tuấn, thành phố cần được quy định hình thức ưu đãi phát triển hệ thống trường học chất lượng cao, trường học thông minh, nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học, bậc học. Điều chỉnh, bổ sung chương trình giáo dục mầm non, phổ thông đối với một số môn học, hoạt động giáo dục để phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô theo hướng tiệm cận nền giáo dục của khu vực và quốc tế; khuyến khích mô hình trường học liên kết với các cơ sở đào tạo nước ngoài có uy tín.
Theo hướng đi này, cần khuyến khích người dân, doanh nghiệp đủ điều kiện đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo của Thủ đô với ưu đãi đầu tư cao hơn mức ưu đãi trong các luật hiện hành. Trước mắt có thể là ưu đãi về giao đất, cho thuê đất, giảm tiền sử dụng đất, hỗ trợ thủ tục thành lập doanh nghiệp nhằm khuyến khích cá nhân, tổ chức đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo, liên kết, hợp tác quốc tế về giáo dục theo quy định của pháp luật. Áp dụng thuế suất 5% hoặc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập của doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Đánh giá về đề xuất trên, Phó Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Tạ Ngọc Trí cho rằng, có nhiều điểm hợp lý. Song song với đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực phát triển giáo dục và đào tạo, ông Tạ Ngọc Trí nêu quan điểm, Hà Nội cần cử học sinh tài năng đi học tập ở các cơ sở giáo dục, đào tạo có uy tín của quốc tế, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao quay về phục vụ sự nghiệp phát triển Thủ đô. Đây là bước đệm chuẩn bị từ sớm nhân lực chất lượng cao, nhất là một số lĩnh vực mà Việt Nam có thể chưa đào tạo được.
Theo ông Tạ Ngọc Trí, có thể quy định những chính sách đặc thù để Hà Nội huy động nguồn lực xã hội nhằm triển khai các nội dung giáo dục tiên tiến cho một bộ phận học sinh phổ thông, mầm non có điều kiện và có nhu cầu trên cơ sở việc triển khai chương trình giáo dục bắt buộc đã được quy định và các nội dung giáo dục mà thành phố mong muốn. Chính sách đặc thù đó nên tập trung theo thứ tự cho cấp trung học phổ thông rồi đến cấp trung học cơ sở, mầm non và cuối cùng là cấp tiểu học. Nguồn lực của thành phố cần tập trung cho cấp tiểu học, bởi cấp tiểu học được Hiến pháp quy định là cấp học bắt buộc, Nhà nước phải bảo đảm các điều kiện để thực hiện.
Từ thực tế cơ sở, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành thông tin, trong các đề xuất ông Nguyễn Quang Tuấn đề cập, có những nội dung Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành triển khai, được phụ huynh và học sinh rất ủng hộ như: Đưa môn tin học, tiếng Anh vào học tăng cường theo hướng tiệm cận nền giáo dục của khu vực và quốc tế. Do đó, sửa đổi Luật Thủ đô cần cụ thể hơn những nội dung này, để làm sao có các chính sách mang tính khai phóng cho Hà Nội dựa trên nguồn lực của Thủ đô. Xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.