Làng Yên Phụ
Xã hội - Ngày đăng : 10:34, 25/04/2006
(HNMĐT)- Làng Yên Phụ nằm ở phía Đông Bắc Hồ Tây, tên gốc là Yên Hoa, vốn là một bộ phận hợp thành phường Yên Hoa thuộc huyện Quảng Đức, Kinh đô Thăng Long thời Lê. Đầu thế kỷ XIX, làng thuộc tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức.
Năm 1915 làng thuộc huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (năm 1942 lại đổi lại thành Đại lý đặc biệt Hà Nội). Từ năm 1981 là một phường của quận Ba Đình, từ cuối năm 1996 được cắt chuyển về quận Tây Hồ.
Yên Phụ nằm ven Hồ Tây, tiếp giáp với sông Hồng, lại là một phường của Kinh đô Thăng Long, nên từ xa xưa dân làng sống bằng nghề đánh cá, nuôi cá cảnh, buôn bán và đánh cá. Xa xưa, dân làng còn trồng dâu nuôi tằm trên vùng đất bãi. Đê Yên Phụ chính là đường Yên Phụ dài 1472 mét từ ô Yên Phụ (đầu dốc đường Thanh Niên) đến phố Hàng Đậu hiện nay.
Làng Yên Phụ có ông Bùi Thế Vinh (1554 - ?) đỗ Tiến sĩ khoa Canh Thìn niên hiệu Diên Thành đời Mạc Mậu Hợp (năm 1580), làm quan đến chức Tự Khanh, về sau quy thuận nhà Lê. Thời Lê có ông Ngô Đăng Quang đỗ Cử nhân khoa Tân Mão đời Vua Minh Mạng (1831).
Làng Yên Phụ có hai di tích độc đáo. Trước hết là ngôi đình tọa lạc trên khu đất cao ở trung tâm làng, nằm sát hồ, tạo không gian thoáng mát và cảnh trí đẹp. Đình được dựng vào khoảng giữa thế kỷ XVII. Đình có kiến trúc chữ “Đinh”, gồm 5 gian đại đình và 3 gian hậu cung, song được bố trí theo lối nhà dọc (không phải theo chiều ngang), cửa đình mở ở hồi. Cách bố trí đình theo chiều dọc này rất hiếm ở nước ta. Đình thờ Uy Lang đại vương, sinh năm Tân Sửu (1241), tương truyền là con của Minh Đức Hoàng Thái hậu - chính phi của Vua Trần Thánh Tông. Uy Lang từ nhỏ lộ trí thông minh, nhưng lại mộ đạo Phật, muốn xuất gia nhưng không được vua cha chấp thuận, bèn trốn nhà, giả làm dân thường tìm thầy học đạo, chỉ một thời gian đã thông lầu giáo lý đạo Phật. Vua Trần Thánh Tông biết tin, triệu về Kinh đô, cho ở trại Bình Thọ (tức làng Yên Hoa). Năm Đinh Hợi (1287), quân Nguyên Mông kéo quân xâm lược nước ta lần thứ ba. Uy Lang liền chiêu mộ hàng nghìn binh sĩ xưng là “Thiên tử quân”, hội quân với Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn cùng các tướng đánh tan giặc ở Vạn Kiếp, Bạch Đằng. Sau khi giặc tan, Uy Lang được vua phong làm Dâm Đàm Đại vương, cho dân phường Nhật Chiêu được dựng đình thờ chính, phường Yên Hoa được thờ vọng.
Một di tích độc đáo khác của làng Yên Phụ là chùa Trấn Quốc, còn có các tên gốc là : Khai Quốc, An Trì, An Quốc, tương truyền được xây từ đầu thời Đinh. Lúc đầu, chùa được dựng ngoài bãi Yên Hoa, đến năm Hoằng Định thứ 16 (1615), do bãi sông bị lở nên chùa chuyển vào gò Kim Ngư (Cá Vàng) như hiện nay và đổi tên thành chùa Trấn Quốc, đã qua nhiều lần tu bổ. Đến tháng Hai năm Nhâm Dần (1842), trong chuyến Bắc tuần, Vua Thiệu Trị ngự chơi chùa Trấn Quốc, đổi tên thành chùa Trấn Bắc, cấp cho 200 quan tiền. Chùa còn lưu giữ được nhiều di vật, di văn quý như bia “Trấn Quốc tự bi ký” tạo năm Dương Hòa thứ năm (1639) do Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính soạn, nói về việc di chuyển chùa, thơ đề của nhà thơ - danh sĩ Phạm Quý Thích...
TS.Bùi Xuân Đính