Ký ức về những người thầy dạy làm báo
Giáo dục - Ngày đăng : 05:55, 17/11/2022
Lớp học ngày ấy...
Năm 1949, theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng bộ Việt Minh chủ trương mở trường đào tạo cán bộ viết báo mang tên Huỳnh Thúc Kháng và giao cho nhà báo Xuân Thủy triển khai thực hiện. Ban Giám đốc gồm 5 người: Giám đốc là nhà báo Đỗ Đức Dục, Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh, Chủ nhiệm Báo Độc Lập; Phó Giám đốc là nhà báo Xuân Thủy, Thường trực Tổng bộ Việt Minh, Chủ nhiệm Báo Cứu Quốc; Ủy viên Thường trực là nhà báo Như Phong, Chủ nhiệm Báo Cứu Quốc Liên khu X; Ủy viên giám thị là nhà văn, nhà báo Đồ Phồn; Ủy viên đôn đốc là nhà thơ, nhà báo Tú Mỡ. Tòa soạn Báo Cứu Quốc được giao nhiệm vụ xây dựng trường sở, tổ chức đời sống vật chất (nhà báo Nguyễn Văn Hải phụ trách).
Trường đặt trên ngọn đồi thuộc thôn Bờ Rạ, nay thuộc xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Tuy chỉ tồn tại 3 tháng (khai giảng ngày 4-4-1949, bế giảng ngày 6-7-1949, phải rút ngắn vì tình hình chiến sự) nhưng lớp học đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh 2 lần gửi thư động viên tinh thần giảng dạy cũng như học tập của các giảng viên, học viên.
Để đào tạo nên lớp nhà báo trẻ đầu tiên vững vàng về nghiệp vụ, kiên định trong lập trường chính trị, biết dùng ngòi bút làm vũ khí sắc bén đấu tranh, không thể không kể tới công lao của những người thầy trong buổi sơ khai ấy. Đó đều là những cái tên nổi tiếng hàng đầu của nền báo chí cách mạng Việt Nam như đồng chí Trường Chinh dạy cách viết thể loại xã luận, bình luận; các nhà báo Xuân Thủy, Đỗ Đức Dục, Trần Huy Liệu, Quang Đạm, Nguyễn Thành Lê dạy về kỹ năng và các khâu làm báo; giảng về chính trị có đồng chí Hoàng Quốc Việt, nhà thơ Tố Hữu; giảng về đường lối, tuyên truyền do các đồng chí Lê Quang Đạo, Đào Duy Kỳ phụ trách; giảng về văn học, nghệ thuật: Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân, Thế Lữ, Nam Cao...
Sau khi khóa học sắp kết thúc, ngày 22-6-1949, đồng chí Trường Chinh ghi lại cảm tưởng trong cuốn sổ lưu niệm của trường như sau: “Khóa thứ nhất Trường Huỳnh Thúc Kháng là một thí nghiệm rất hay. Tôi tin rằng sau khi rút tỉa kinh nghiệm của khóa này, Tổng bộ Việt Minh sẽ thành công hơn trong việc đào tạo cán bộ chiến đấu với quân thù bằng ngòi bút và hướng dẫn dư luận quốc dân”.
Ký ức về những người thầy
Khóa học viết báo đầu tiên của Trường Huỳnh Thúc Kháng gồm 42 học viên, phần lớn đang làm báo ở Trung ương và địa phương. Dưới sự giảng dạy, chỉ bảo tận tình của những người thầy, phần lớn học viên khi ra trường đều công tác ở các cơ quan báo chí, trong đó nhiều người sau này giữ trọng trách quan trọng như nhà báo Trần Kiên, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; nhà báo Ngô Tùng, nguyên Tổng Biên tập Báo Lao Động; nhà báo Phạm Viết Thiệu, nguyên Tổng Biên tập Báo Hòa Bình, Tạp chí Tuyên truyền; nhà báo Lý Thị Trung, nguyên phụ trách đầu tiên Báo Phụ nữ Thủ đô... Trong tâm thức họ, kỷ niệm về những người thầy luôn in sâu với những hình ảnh cao đẹp, mặc dù các thành viên của lớp học năm xưa phần lớn đã ra đi về cõi người hiền.
Nhà báo Trần Kiên, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân (khi đi học lấy tên Hoàng Kiên Trung) bồi hồi kể: “Đó là những buổi học, thảo luận rất sôi nổi. Ví dụ, đồng chí Trường Chinh dạy về bình luận, xã luận; sau khi giảng, chia sẻ kinh nghiệm, quy tắc viết, đồng chí thường ra đề bài luôn... Sau mấy hôm thì trả bài. Đồng chí Trường Chinh nhận xét cụ thể từng bài, những bài viết hay và viết chưa tốt, vì sao lại chưa tốt... để các học viên rút kinh nghiệm”.
Học viên nữ Mai Cương (sau giữ chức Thứ trưởng Bộ Tài chính) vui vẻ nhớ lại: “Trong lớp chỉ có 3 nữ học viên, đó là chị Phương Lâm, Lý Thị Trung và tôi. Cả 3 được ưu tiên ngồi bàn đầu ngay cửa ra vào... Trong suốt quá trình học, cứ học xong là phải làm bài kiểm tra. Có lần nội dung của bài kiểm tra là viết một bài phóng sự. Tôi ngại đi nên đã mạnh dạn đề xuất với nhà báo Xuân Thủy cho mình viết bài xã luận. Thú thật, khi đó tôi chưa rõ tầm quan trọng và độ khó của một bài xã luận như thế nào nên mới mạnh dạn đề xuất táo bạo như thế. Nhà báo Xuân Thủy ôn tồn giải thích cho tôi hiểu và khuyên tôi viết phóng sự. Sau đó, tôi được phân công viết phóng sự về chè Tân Cương. Trước khi đi thực tế, tôi đã tham khảo nhiều bài phóng sự để học cách viết, sau đó mạnh dạn đến gặp nhà báo Như Phong, khi đó là Ủy viên Ban Giám đốc nhà trường, dạy về phóng sự, để hỏi thêm và nhờ ông dạy lại cách viết. Nhờ sự chỉ bảo tận tình của các thầy, sau khi viết xong bài phóng sự về chè Tân Cương, bài viết của tôi đã được nhà báo Xuân Thủy khen ngợi”.
Đối với học viên Phạm Viết Thiệu (nguyên Tổng Biên tập Báo Hòa Bình, Tổng Biên tập Tạp chí Tuyên truyền), kỷ niệm về lần phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp là bài học về nghề đầu tiên luôn theo ông trong suốt cuộc đời: “Trong quá trình học, nhà báo Xuân Thủy dự định nhận tôi về Báo Cứu Quốc, cho tôi danh nghĩa phóng viên Báo Cứu Quốc để phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Quá trình phỏng vấn và chụp ảnh, thấy trong phòng của Đại tướng ánh sáng không đủ, Đại tướng đã cho dỡ mấy tấm mái lợp tranh xuống để lấy ánh sáng. Lần đầu được làm việc với Đại tướng trong một vai trò mới, thật sự tôi rất run, tay đưa cho Đại tướng tờ giấy viết sẵn những câu hỏi để Đại tướng xem và trả lời mà không nói gì thêm được. Khi xong việc, Đại tướng có nói với tôi một câu, đại ý là: Người xưa có câu “Thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn” để răn ta không phải run sợ trước tình huống nào cả. Tôi luôn ghi nhớ lời dạy sâu sắc đó”.
Còn với nhà báo Lý Thị Trung, kỷ niệm về ngôi trường được bà nhớ đến từng chi tiết và những câu chuyện thú vị xung quanh quá trình học. Đó là những người bạn hài hước dí dỏm: “Trong lớp có chia các tổ, ông Trần Vũ (sau là đạo diễn điện ảnh nổi tiếng) ở tổ 6 phải chuyển sang tổ 7 của tôi. Vị tổ trưởng tổ 7 này hay họp tổ nên ông Vũ ngán ngẩm đến nỗi vịnh thành thơ: “Tổ 6 xa rồi tổ 6 ơi/ Nhớ về tổ cũ nhớ chơi vơi/ Mình sang tổ 7 lòng lạnh lắm/ Khai hội quanh tuần chết mất thôi”. Hay kỷ niệm về thầy Đồ Phồn: “Thầy Đồ Phồn giảng về phóng sự, thường cho lớp đi thực tế để tập viết thể loại này. Trước khi bế mạc khóa học, giảng viên Đồ Phồn có viết vở kịch “Tay người đàn bà” và diễn tại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Khi đó, tôi được đóng vai người phụ nữ bán quán, ông Mai Hồ đóng vai Tây (vì nhìn ông giống Tây), ông Doãn Vỹ đóng vai Việt gian (nhìn ông cao to). Có cả ông Mai Văn Hiến (họa sĩ) đến trang điểm, còn bà Anh Thơ đội khăn mỏ quạ hóa trang cho tôi. Trước đó, giảng viên Thế Lữ có đưa đoàn diễn viên kịch của ông đến để hỗ trợ nhưng về sau không dùng tới bởi các học viên diễn rất đạt. Vở kịch diễn ra thành công tốt đẹp, thầy Đồ Phồn cầm tay tôi và nói vui với mọi người: “Tay người đàn bà thành công rồi!”.
Dấu tích của ngôi trường dạy làm báo đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ giờ đã chìm sâu dưới lòng hồ Núi Cốc mênh mông, để lại bao thương nhớ về một thời gian khổ nhưng tràn đầy khí thế cách mạng. Tuy chỉ mở trong thời gian ngắn, đào tạo được 1 khóa nhưng ngôi trường đó đã đánh dấu thắng lợi bước đầu trên mặt trận tư tưởng nói chung và công tác đào tạo báo chí nói riêng, đồng thời đặt nền móng cho sự phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam sau này.