Ngôi chùa thờ mẹ Vua Lý Công Uẩn
Xã hội - Ngày đăng : 08:42, 15/04/2006
Cổng Ngũ Môn vào đình - chùa làng
Dương Lôi, Tân Hồng, Từ Sơn, Bắc Ninh.
Ðặc biệt là chùa lại thờ Thánh Mẫu Phạm Thị, mẹ vua Lý Thái Tổ (Công Uẩn). Ðầu xuân, vào ngày mồng 7 tháng Giêng, nhân dân lại tổ chức giỗ "đức Thánh Mẫu, Tuyên Bảo Thái hậu, đương cảnh Thành hoàng" và cũng là ngày hội chùa.
Chùa Cha Lư vốn là một quần thể kiến trúc nối tiếp nhau như: Tiền đường, Tam bảo (Phật điện), gác chuông, nhà Tổ, nhà khách, nhà sư ở, bếp và công trình phụ rồi đến sân và khu vườn chùa, v.v. Kiến trúc chùa Cha Lư theo kiểu chữ quốc (nội công ngoại quốc). Hai dãy hành lang, một bên thờ mười vua thập điện, một bên thờ 18 vị La Hán (đã bị dỡ bỏ) nay chỉ còn lại nhà Tổ giáp với chính điện ở phía hồi sau.
Nhìn chung, chùa Cha Lư ở Dương Lôi không phải là ngôi chùa lớn, song giá trị ở đây là ý nghĩa lịch sử. Căn cứ vào lời văn khắc trên quả chuông đồng "Cha Lư tự chung" (chuông chùa Cha Lư), đúc lại ngày 13-3, năm Mậu Tý (1828) đời vua Minh Mệnh, do cử nhân Trần Lại Phủ soạn có ghi rõ: "...
Dương Lôi là ấp thang mộc Thánh Mẫu Lý triều, từ xa xưa đã có chùa Cha Lư và chùa Càn Nguyên, cả hai chùa đều có bia, vào năm Bính Ngọ triều Lý, đều đã bị thất lạc...".
Như vậy, nếu tính ra: trong 216 năm vương triều Lý thì có ba năm Bính Ngọ (1066 - 1126 - 1186). Như văn chuông đã ghi, bia chùa mất một trong ba năm trên thì thời gian muộn nhất cũng cách đây khoảng hơn 800 năm. Ðiều này chứng minh rằng: chùa Cha Lư được xây dựng từ thời Lý.
Ngoài giá trị về lịch sử, chùa Cha Lư hiện còn lưu giữ được một số văn bia, văn chuông và hoành phi câu đối, tượng Phật... rất có giá trị về văn hóa. Trong đó, đáng kể là hai tấm bia đá và một quả chuông đồng:
1. Cha Lư tự bi (bia chùa Cha Lư) dựng ngày mồng 7-4 năm Vĩnh Tộ thứ 6 (1624). Người soạn văn bia là nho sinh khoa Ðinh Mùi Nguyễn Ðình Chính và người khắc bia là Phù Dương nam Khổng Ý. Nội dung cho biết việc khởi tạo tam quan, cửa phật và xây tường bao chung quanh chùa Cha Lư, xã Dương Lôi, huyện Ðông Ngàn, phủ Từ Sơn, tiến hành từ ngày 13 tháng 10 năm Quý Hợi đến tháng Giêng năm Giáp Tý thì hoàn thành và ngày 3-3 chính thức dựng bia.
2. Hậu tự bi (bia thờ hậu) dựng ngày 18 tháng giêng năm Tự Ðức thứ 15 (1862).
Văn bia ghi: "... Ấp ta có chùa Càn Nguyên, do bị mưa gió làm đổ nát, thiền tăng đã bỏ tiền của ra tu bổ tiền đường, nhà thiêu hương, hai tòa hành lang và tô lại các tượng phật...".
Qua đó, các nhà nghiên cứu lại phát hiện ra một trùng hợp lý thú: Tháng 7 năm Canh Tuất (1010), vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Ðại La, lập nên Kinh đô mới của nước Ðại Việt - Kinh thành Thăng Long. Tại đây, vua cho xây "Càn Nguyên điện" để làm nơi thiết triều.
Cùng thời gian này, ở làng Dương Lôi (quê mẹ vua) cũng xuất hiện một ngôi chùa mới "Càn Nguyên tự".
Tương truyền rằng: Ðể tỏ lòng hiếu thảo với mẹ mình, vua Lý Thái Tổ đã về quê cho xây dựng chùa này, để mỗi khi ở kinh đô Thăng Long thiết triều tại "Càn Nguyên điện", ông lại nhớ tới thân mẫu ở "Càn Nguyên tự" quê nhà. Có lẽ vì ý nghĩa rất đặc biệt ấy mà chưa thấy nơi nào có chùa trùng tên với "Càn Nguyên tự" ở làng Dương Lôi.
3. Cha Lư tự chung (chuông chùa Cha Lư) đúc ngày 13-3 năm Mậu Tý, Minh Mệnh thứ 9 (1828). Chuông này được treo trên gác ở gian giữa chùa. Sau cùng là bài minh khắc trên chuông. Ðây là một áng văn cổ ca ngợi quê hương Thánh Mẫu Lý triều:
Dải lụa Tiêu Tương
Thẳm xanh Hằng Lĩnh
Ðất đẹp Dương Lôi
Sản sinh nghiệp Lý
Chùa gọi Cha Lư
Một tòa điện Phật
Giát ngọc tô vàng
Tự cổ lừng danh
Núi sông dẫu đổi
Tiếng mõ vẫn còn...
(Bản dịch của Cung Khắc Lược)
Vừa qua, Nhà nước đã hỗ trợ đầu tư kinh phí cho nhân dân Dương Lôi trùng tu và tôn tạo ngôi chùa khang trang sạch đẹp, xứng với giá trị lịch sử văn hóa vốn có thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" và cũng là trách nhiệm, là sự tôn kính với các bậc tiền nhân đã có công với dân với nước, thiết thực tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Theo Nhân dân