Quan tâm hơn đến tâm lý học sinh

Giáo dục - Ngày đăng : 06:22, 29/12/2022

(HNM) - Sự việc học sinh một trường trung học cơ sở ở huyện Hoài Đức nhảy từ tầng 3 xuống đất do bị bạn bè trêu chọc, hay việc nhóm học sinh trường tiểu học ở quận Hoàng Mai phải nhập viện do tò mò sử dụng thuốc lá điện tử… cho thấy sự cần thiết của công tác tư vấn, hỗ trợ, định hướng học sinh trong trường học. Trên thực tế, công tác này đã được tăng cường, giúp học sinh tự tin, có kỹ năng giải quyết một số tình huống, song quá trình triển khai còn bất cập, cần được ngành Giáo dục quan tâm hơn.

Bên cạnh việc giảng dạy, giáo viên Trường Trung học cơ sở Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm) thường xuyên quan tâm, trao đổi nắm bắt tâm tư của học sinh. Ảnh: Đỗ Tâm

Giúp học sinh bớt căng thẳng

Công tác tư vấn tâm lý không phải là việc mới của ngành Giáo dục, mà đã được triển khai từ nhiều năm nay, góp phần nâng chất lượng học tập và rèn luyện của học sinh. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, công tác tư vấn tâm lý được các nhà trường đặc biệt chú trọng, giúp học sinh nhanh chóng bắt nhịp với việc học tập trực tiếp tại trường.

“Nhờ có sự hỗ trợ và lắng nghe, chia sẻ thường xuyên của thầy, cô giáo, các con dần có tinh thần tốt hơn và nhanh chóng khắc phục được những vấn đề do bị ảnh hưởng của việc học trực tuyến dài ngày, như ngại giao tiếp, ít bày tỏ… Các con cũng bớt căng thẳng, lo lắng khi có sự hỗ trợ, định hướng của thầy, cô giáo”, bà Nguyễn Lan Phương, phụ huynh Trường Trung học cơ sở Phúc Xá (quận Ba Đình) bày tỏ.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều học sinh gặp các vấn đề tâm lý như căng thẳng, rối loạn lo âu, rối loạn hành vi, trầm cảm… Tư vấn tâm lý học đường đã thể hiện vai trò phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp khi cần thiết đối với học sinh và có định hướng giải quyết phù hợp, làm giảm tác động tiêu cực.

Tại Hà Nội, hầu hết các trường phổ thông đều có phòng hoặc góc tư vấn tâm lý cho học sinh, trong đó có những trường tiên phong triển khai hoạt động này, đến nay vẫn duy trì tốt, như các trường: Trung học cơ sở Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm), Trung học cơ sở Khánh Thượng (huyện Ba Vì), Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân), Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình)…

Em Nguyễn Khánh An, học sinh Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân chia sẻ: "Việc đến phòng tư vấn không còn là nỗi ngại ngần của nhiều bạn nữa, mà trở thành điều bình thường, giúp chúng em bớt lo lắng, căng thẳng hơn khi gặp áp lực hoặc các tình huống khó giải quyết".

Trường Phổ thông liên cấp Tây Hà Nội (quận Bắc Từ Liêm) còn công khai quy trình và cách thức đăng ký đặt lịch tư vấn bằng nhiều cách, như gửi qua hộp thư bên ngoài phòng tâm lý, thông qua giáo viên chủ nhiệm, gặp trực tiếp chuyên viên tham vấn, gửi thư điện tử (email)…

Hướng dẫn cụ thể hơn về quy trình tư vấn

Năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông. Tuy nhiên, thực tế triển khai tại nhiều địa phương cho thấy nội dung này chưa được chú trọng; nhiều trường còn lúng túng; sự phối hợp giữa các lực lượng trong và ngoài nhà trường chưa chặt chẽ… Vấn đề đáng quan tâm nhất là các trường học chưa có nhân sự chuyên trách phụ trách công tác tư vấn tâm lý, còn kinh phí cho hoạt động này cũng chưa được đầu tư. Bất cập này khiến các trường công lập gặp khó khăn trong việc vận hành các hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh cũng như bố trí nhân sự. Giải pháp chung được triển khai là phân công giáo viên kiêm nhiệm, đồng thời tổ chức cho giáo viên đi bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tư vấn và quy trình tư vấn tâm lý cho học sinh.

Từ kinh nghiệm của Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình) - đơn vị đã vận hành hiệu quả Phòng Tư vấn tâm lý từ năm 2001 đến nay, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng chia sẻ, hoạt động tư vấn tâm lý có vai trò rất quan trọng. Làm tốt việc này sẽ kịp thời nắm bắt tâm lý lứa tuổi, từ đó đưa ra phương pháp giáo dục phù hợp cho từng học sinh, nhất là với những em có “cá tính”. Vì vậy, quan trọng nhất là nhận thức của người đứng đầu nhà trường, từ đó có cách vận dụng phù hợp. Thực tế, khá nhiều trường ngoài công lập đã chủ động thuê chuyên gia và dành kinh phí hằng năm cho việc tư vấn tâm lý cho học sinh. Để nội dung này được triển khai hiệu quả, cần sự quyết liệt hơn nữa từ phía cơ quan có thẩm quyền, giúp các trường học được bố trí biên chế nhân sự và nguồn lực tài chính cho hoạt động này.

Còn theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trung Châu (huyện Đan Phượng) Trần Trung Hiếu, nhiều năm nay, do không có biên chế chuyên trách, nhà trường phải phân công giáo viên kiêm nhiệm hoạt động tư vấn tâm lý. Dù được bồi dưỡng, song kỹ năng tư vấn cho học sinh còn nhiều hạn chế. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan liên quan cần có hướng dẫn cụ thể hơn về quy trình tư vấn tâm lý cho học sinh cũng như quan tâm đồng bộ về nguồn lực cho hoạt động này trong nhà trường, đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.

Thống Nhất