Những lớp học đặc biệt ngoài nhà trường
Giáo dục - Ngày đăng : 07:14, 01/02/2023
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có gần 112.000 người khuyết tật, bằng 1,33% dân số ở Thủ đô; hơn 14.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; gần 34.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Ngoài ra, Hà Nội còn tập trung nhiều người dân từ địa phương khác đến cư trú, học tập, làm việc, gồm cả những người khuyết tật hoặc có hoàn cảnh đặc biệt.
Ngoài một số trường học chuyên biệt (Trường Trung học cơ sở Xã Đàn, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Đình Chiểu, Trường Phổ thông cơ sở dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội…), trên địa bàn thành phố còn có nhiều lớp học đặc biệt ngoài nhà trường dành cho nhóm học sinh đặc thù. Có thể kể đến Trung tâm Nghị lực sống tại phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), được thành lập bởi một nhóm người khuyết tật với mục tiêu hỗ trợ hòa nhập toàn diện cho người khuyết tật bằng chính khả năng của họ. Theo Giám đốc Trung tâm Nghị lực sống Ngô Thị Huyền Minh, sau gần 15 năm hoạt động (từ năm 2008 đến nay), trung tâm đã đào tạo nghề công nghệ thông tin và kỹ năng sống cho hơn 1.200 học viên là người khuyết tật. Sau học nghề, hơn 70% học viên đã có việc làm với mức lương trung bình hơn 6 triệu đồng/người/tháng.
Từng là học viên của Trung tâm Nghị lực sống, chị Đinh Thị Thủy Vân chia sẻ: “Sau khi học nghề công nghệ thông tin, mong ước hòa nhập xã hội bằng công việc phù hợp của tôi đã trở thành hiện thực. Hiện tại, tôi làm công việc chỉnh sửa ảnh tại Công ty IMAGTOR (cung cấp dịch vụ xử lý hình ảnh cho các doanh nghiệp), mang lại thu nhập ổn định”.
Cùng mục tiêu trang bị kỹ năng sống, hòa nhập xã hội cho những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt, những năm gần đây, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội đã tổ chức lớp học “Tỏa sáng”. Lớp học trang bị cho học sinh bậc trung học phổ thông và sinh viên mới vào năm thứ nhất đại học, cao đẳng những kỹ năng về nghề nghiệp, giao tiếp xã hội, nghị lực vươn lên… Giáo viên của lớp học là các chuyên gia tâm lý, nhà quản lý, người sáng lập, điều hành các doanh nghiệp giàu kinh nghiệm lập thân, lập nghiệp, có uy tín trong xã hội.
Cựu học sinh Lê Minh Cường cho biết: “Những năm học trung học phổ thông, dù có kết quả học tập tương đối tốt, song do hoàn cảnh đặc biệt nên em sống trong tự ti, không biết rõ bản thân muốn gì, có khả năng ra sao. May mắn trở thành học sinh lớp học "Tỏa sáng", em được tiếp thêm động lực, niềm tin để hòa nhập với cộng đồng. Hiện tại, em là sinh viên của Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội”.
Ngoài những địa chỉ nêu trên, trên địa bàn Hà Nội còn có nhiều lớp học nghề, học kỹ năng sống miễn phí ngoài nhà trường. Đó là lớp học nghề may mặc của người khuyết tật, mồ côi thuộc Trung tâm Dạy nghề và tạo việc làm nhân đạo Phù Đổng tại xã Tiên Dược (huyện Sóc Sơn), lớp học nghề thủ công truyền thống của Hợp tác xã Vụn Art tại phường Vạn Phúc (quận Hà Đông)…
Ở độ tuổi nhỏ hơn, những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt được tạo điều kiện tham gia các lớp học tình thương, tổ chức tại nhiều địa điểm, như: Phường Yên Phụ (quận Tây Hồ); phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân); phường Tân Mai (quận Hoàng Mai); xã Đông Sơn (huyện Chương Mỹ)… Được các giáo viên có tấm lòng hảo tâm bền bỉ dạy dỗ, uốn nắn từ những kỹ năng tối thiểu, cho đến việc làm quen với những con chữ, phép tính đơn giản, nhiều học sinh khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt tiến bộ dần theo năm tháng.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân, những lớp học ngoài nhà trường duy trì hoạt động nhiều năm qua đã góp phần cùng các cơ quan chức năng mang đến cơ hội học văn hóa cho học sinh; học nghề, việc làm cho người lao động có hoàn cảnh đặc biệt. Mong rằng, mô hình học tập này tiếp tục được duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động, qua đó mở rộng cánh cửa hòa nhập cho người có hoàn cảnh đặc biệt.