Đổi mới dạy học để thích ứng tình hình

Giáo dục - Ngày đăng : 06:57, 10/02/2023

(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh đang thiếu giáo viên ở nhiều cấp bậc học. Để giải quyết vấn đề này, ngành Giáo dục thành phố đã có giải pháp về ứng dụng công nghệ số và các giải pháp dài hạn để đổi mới, khắc phục khó khăn, đạt hiệu quả cao trong công tác dạy và học.

Một tiết học tiếng Anh áp dụng mô hình lớp học số của học sinh Trường Tiểu học Thạnh An, huyện Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh).

Hiệu quả mô hình lớp học số

Năm học 2022-2023, ngành Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, song gặp nhiều khó khăn vì thiếu giáo viên cục bộ, đặc biệt ở các môn tiếng Anh, tin học. Để khắc phục tình trạng này, ngành Giáo dục đã thực hiện thí điểm mô hình lớp học số.

Theo đó, từ tháng 12-2022 đến nay, mỗi tuần 1 lần, các môn tin học và tiếng Anh tại Trường Tiểu học Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi) và Trường Tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ) được chọn làm thí điểm. Các giáo viên của từng môn học luân phiên dạy tại phòng ghi hình (studio). Hình ảnh, âm thanh được truyền trực tiếp đến nhiều lớp học như một hình thức học trực tuyến. Tại Trường Tiểu học Trung Lập Thượng, mô hình lớp học số được triển khai thí điểm với 6 lớp của 2 khối 4 và 5 với các môn tiếng Anh và tin học. Bởi, học sinh ở lứa tuổi này đã có thể tiếp thu kiến thức như học từ xa tốt hơn nên nhà trường ưu tiên giáo viên dạy trực tiếp các em học sinh lớp 1 và 2. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lập Thượng Nguyễn Văn Tới chia sẻ: "Nhờ mô hình lớp học số, trường đã bảo đảm cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 đều được học tiếng Anh và tin học đúng theo chương trình giáo dục phổ thông mới".

Còn Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh An Lê Hữu Bình cho biết, toàn trường chỉ có 1 giáo viên tiếng Anh, phải bao quát cả 5 khối lớp. Khi mô hình lớp học số được triển khai tại trường đã góp phần gỡ khó tình trạng thiếu giáo viên. Em Lê Văn Công, học sinh Trường Tiểu học Thạnh An chia sẻ: "Chúng em học qua màn hình nên cũng hứng thú. Cô giáo dạy dễ hiểu, các bạn học rất vui vẻ".

Phó Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Minh Thiên Hoàng thông tin, sở đã chọn 24 giáo viên cho mỗi môn học để luân phiên dạy lớp học ảo tại studio. Đây đều là những giáo viên có chuyên môn vững, có kinh nghiệm giảng dạy tốt trên môi trường số, biết vận dụng nhiều phương pháp sáng tạo để mang lại hứng thú cho học sinh.

Tiếp tục vượt khó

Theo thống kê, năm học 2022-2023, thành phố Hồ Chí Minh cần bổ sung 5.849 giáo viên. Cụ thể, mầm non tuyển 1.069 giáo viên, tiểu học tuyển 2.571 giáo viên, trung học cơ sở tuyển 2.123 giáo viên và chuyên biệt tuyển 86 giáo viên. Tuy nhiên, đến hết tháng 12-2022, mới có 1.381 ứng viên trúng tuyển viên chức giáo dục. Như vậy, toàn thành phố vẫn còn thiếu 4.468 giáo viên, tập trung ở các bộ môn: Âm nhạc, mỹ thuật, tin học, tiếng Anh…

Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, qua khoảng 3 tháng triển khai thí điểm, mô hình lớp học số đã phát huy tác dụng bước đầu; học sinh tiếp thu tốt kiến thức. Tuy nhiên việc mở rộng mô hình này sang các môn học khác còn gặp nhiều khó khăn cả về hình thức và nội dung triển khai, bởi không phải môn học nào cũng phù hợp.

Từ phía cơ sở, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 8 Dương Văn Dân cho biết, nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn đang phải xoay xở bằng cách mời giáo viên hợp đồng đứng lớp. Việc tuyển dụng và giữ chân giáo viên gặp nhiều khó khăn do yêu cầu cao nhưng thù lao thấp. "Chúng tôi rất mong các cấp lãnh đạo thành phố sớm có giải pháp tổng thể nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên", ông Dương Văn Dân đề xuất.

Nói về vấn đề này, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh thông tin, ngành đang triển khai 2 mảng công tác nhằm giải quyết cơ bản tình trạng thiếu giáo viên. Một là, Sở Giáo dục và Đào tạo dự thảo văn bản, trình UBND thành phố xem xét, hoàn thiện để trình HĐND thành phố thông qua một nghị quyết về hỗ trợ tăng thu nhập cho giáo viên, nhất là ở bậc tiểu học. Hiện tại, một giáo viên mới ra trường dạy tiểu học chỉ hưởng lương khoảng 3,3 triệu đồng/tháng, rất thấp so với thu nhập bình quân của người dân thành phố, nên ngành khó tuyển giáo viên. Hai là, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu UBND thành phố thông qua chủ trương phối hợp với các trường đại học có đào tạo sư phạm trên địa bàn tham gia đào tạo giáo viên. Hiện, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ký kết với Trường Đại học Sài Gòn và Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh bồi dưỡng bổ sung kiến thức cho giáo viên đang đứng lớp và đào tạo giáo viên mới, bổ sung nhân lực cho ngành Giáo dục, nhất là với những môn học theo chương trình mới.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu cho biết, cùng với các giải pháp dài hạn, ngành Giáo dục động viên, khuyến khích các cơ sở giáo dục tiếp tục triển khai sáng tạo việc dạy và học; ứng dụng công nghệ vào việc truyền đạt các kiến thức cho học sinh để khắc phục khó khăn, đạt hiệu quả cao trong truyền tải kiến thức cho học sinh.

Thanh Tàu