Cái tâm của một doanh nhân
Kinh tế - Ngày đăng : 08:47, 04/04/2006
Không bằng cấp, lại chưa một lần được đào tạo qua trường lớp kinh doanh, vậy mà chàng trai thành phố Cảng Nguyễn Văn Luân đã tạo lập cho mình một thương hiệu được nhiều người biết đến - Nội thất Đài Loan DAFUCO - khi mới ngoài 30 tuổi.
Cách đây hơn hai chục năm, ởphố Phan Bội Châu, thành phố Hải Phòng, có một cậu bé người gầy gò, tay cầm chiếc bơm cần mẫn kiếm tiền phụ giúp gia đình. Đó là công việc thường nhật của cậu bé nghèo Nguyễn Văn Luân sau những buổi đi học về. Số tiền ngày ấy Luân kiếm được không nhiều nhưng đã giúp cậu hiểu được giá trị của đồng tiền và biết trân trọng nó. Hồi ấy Luân mới học lớp 6, lớp 7 và cậu lúc nào cũng mơ ước đến một ngày có thế làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.
Tốt nghiệp THPT, Luân vác ba lô lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Sau một nămhuấn luyện, Luân được chuyển sang đơn vị làm kinh tế. Trong môi trường này, anh dần tiếp cận với công việc làm ăn, buôn bán. Với kinh nghiệm tích lũy được trong những năm tháng ở quân ngũ, ngay sau khi hoàn thành nghĩa vụ, trở về địa phương Luân đã “bước chân” vào thương trường. Lúc đó ở Hải Phòng đang rộ lên phong trào buôn bán bánh kẹo, tạp hóa, khu phố Phan Bội Châu nơi Luân ở có lẽ là rầm rộ nhất. Không đi theo con đường mà nhiều người đã chọn, Luân suy ngẫm tìm cho mình một hướng đi khác.
Nhận thấy đời sống kinh tế của quê hương ngày một nâng cao, nhu cầu xây dựng nhà cửa đang dần phát triển, anh chọn khung nhôm và cửa kính làm mặt hàng chính để kinh doanh. Nhờ làm ăn có uy tín, lại có những mặt hàng chất lượng cao, giá cả hợp lý nên anh đã dần chiếm lĩnh được lòng tin của khách hàng, trở thành một trong những nhà cung cấp khung nhôm, cửa kính vào loại lớn nhất cho các công ty xây dựng tại Hải Phòng. Anh Luân tâm sự: “Khi bắt tay vào công việc, tôi “vỡ” ra một điều, đó là phải nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu của thị trường để kinh doanh. Cũng nhờ sự “vỡ” ra ấy mà tôi đã nhìn thấy triển vọng phát triển của nội thất cao cấp”.
Những năm 1990, mặt hàng nội thất Đài Loan đã xuất hiện trên thị trường nhưng chưa được người tiêu dùng quan tâm bởi quy mô nhỏ lẻ, nhiều hàng nhái thiếu tin cậy. Anh đã quyết tâm “quy hoạch” lại thị trường nội thất cao cấp và khẳng định thương hiệu này. Với số vốn sẵn có, thêm sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè, người thân, năm 1992, anh đã mạnh dạn ký hợp đồng làm đại diện chính thức cho nội thất Đài Loan tại Việt Nam. Đến năm 1998, cùng với những chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, anh Luân đã mạnh dạn cổ phần hóa doanh nghiệp. Cho đến nay Cty cổ phần Sản xuất và Thương mại Đài Loan của anh đã có trên 40 đại lý và chi nhánh kinh doanh hàng nội thất trên toàn quốc, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động với mức thu nhập bình quân 1.500.000đồng/ người/tháng.
Xây dựng và khẳng định được thương hiệu, trở thành một doanh nghiệp trẻ thành đạt của thành phố nhưng anh vẫn còn nhiều trăn trở lắm. Trong những lần đi thăm, tặng quà cho gia đình nghèo khó, những người tàn tật và trẻ em mồ côi... anh nhận thấy không thể giải quyết hết được vấn đề nếu chỉ dừng lại ở việc giúp họ chút quà, tấm áo. Chỉ có tạo cho họ có việc làm để tự nuôi sống bản thân mới là cách giúp đỡ tốt và thiết thực nhất. Đang trong lúc trăn trở thì ý tưởng khôi phục làng nghề sứ Tràng Duệ, Bắc Sơn, An Dương chợt đến với anh.
Ngay sau khi hoàn tất việc xây dựng Nhà máy Sứ Tràng Duệ với tổng diện tích 30.000m2, anh tiếp nhận ngay những người thợ quanh vùng vào làm việc. Một mặt nâng cao tay nghề cho hơn 1.000 lao động vốn có, mặt khác anh nhận dạy nghề và tạo việc làm cho hơn 300 thanh niên trong vùng. Trong số đó, không ít học viên là con em thương, bệnh binh, gia đình chính sách. Bên cạnh đó, anhcòn tổ chức một lớp đào tạo đặc biệt dạy 40 em khiếm thính. Sau khi học nghề xong, các em được giữ lại làm việc.
Nguyễn Văn Luân xứng đáng là tấm gương cho những thanh niên biết biến ước mơ và hoài bão trở thành hiện thực, góp phần xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp hơn.
HNM