Ngành Giáo dục bàn cách thích ứng với ChatGPT

Giáo dục - Ngày đăng : 18:26, 13/02/2023

(HNMO) - Ngày 13-2, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tọa đàm “ChatGPT, trí tuệ nhân tạo - lợi ích và thách thức đối với giáo dục”.

Với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, câu chuyện ChatGPT một lần nữa làm nóng cuộc tọa đàm với những nhận định về tác động của trí tuệ nhân tạo đối với cuộc sống nói chung và giáo dục nói riêng.

Các ý kiến chung nhận định, đây là một thách thức lớn đối với ngành Giáo dục hiện nay, đòi hỏi các nhà trường cần có giải pháp thích ứng một cách bài bản, cẩn trọng trên cơ sở trải nghiệm thực tiễn.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn phát biểu tại tọa đàm.

Không cấm người học sử dụng ChatGPT

Câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất hiện nay là, ngành Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường có cấm học sinh, sinh viên sử dụng ChatGPT hay không? Tiến sĩ Lê Thống Nhất chia sẻ, trên thế giới hiện nay có một số trường cấm người học sử dụng ChatGPT, nhưng cũng có nhiều trường lại cho phép sử dụng ChatGPT để hỗ trợ việc dạy, học. Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tọa đàm về vấn đề này là cần thiết, không nên cấm. Tuy nhiên, việc sử dụng như thế nào nhằm đem lại hiệu quả mong muốn lại là vấn đề cần nghiên cứu kỹ.

Trước thông tin về việc một số trường đại học có ý định cấm sinh viên sử dụng ChatGPT phục vụ học tập, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội nhận định, đây là ý tưởng khá bảo thủ. Sự ra đời của ChatGPT có thể coi là một thành tựu mà người dùng đại chúng có thể trải nghiệm, tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, các nhà trường, người dạy và người học nên tiếp cận chừng mực, coi đây là một công cụ.

Các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục trao đổi ý kiến về ChatGPT.

Còn ông Phùng Việt Thắng, Phó Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam cho rằng, ChatGPT có thể được gọi là trợ lý hỗ trợ cho nhiều đối tượng như giáo viên, học sinh, nhà kinh doanh... Lợi ích của ChatGPT phụ thuộc vào năng lực tận dụng của từng đối tượng. Vì vậy, vấn đề đặt ra là người dạy, người học cần tìm ra cách tận dụng “vị trợ lý” này một cách hiệu quả nhất cho công việc của mình.

Thích ứng với ChatGPT ra sao?

Để thích ứng với sự phát triển của công nghệ hiện đại, trong đó có ChatGPT, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, thực ra hiện nay sinh viên vẫn đang sử dụng khá nhiều ứng dụng để học tập, nghiên cứu. ChatGPT đặt ra thách thức với ngành Giáo dục, với các nhà trường về việc cần tiếp tục có những thay đổi quyết liệt hơn trong việc không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn dẫn dắt người học đạt được các yêu cầu về phẩm chất, kỹ năng...

Từ những trải nghiệm thực tế tại địa phương, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, các công cụ nói chung, trong đó có ChatGPT, giúp giáo viên có thêm nhiều cơ hội tiếp cận, hỗ trợ học sinh trong học tập. Xác định việc hình thành năng lực số cho học sinh rất quan trọng trong bối cảnh đổi mới giáo dục, các trường học ở thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai đề án tin học và ngoại ngữ, trong đó có nội dung nâng cao năng lực số.

Cuộc tọa đàm về ChatGPT thu hút sự chú ý của nhiều nhà giáo, sinh viên.

Trước câu hỏi, liệu rằng ChatGPT có làm rộng thêm khoảng cách giữa địa bàn thuận lợi và nơi khó khăn hơn hay không, khi mà học sinh, giáo viên của các trường học ở địa bàn thuận lợi sẽ có nhiều lợi thế về hạ tầng, điều kiện để khai thác ChatGPT, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng, nếu có chính sách tốt thì ngành Giáo dục, các nhà trường dù ở địa bàn nào cũng có thể khai thác tận dụng các lợi ích từ công nghệ. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu kỹ nội dung này để bảo đảm mọi học sinh đều được bình đẳng trong tiếp cận với giáo dục chất lượng.

Từ những nhận định về ChatGPT đối với ngành Giáo dục cũng như các nhà trường trong bối cảnh hiện nay, có ý kiến nêu vấn đề, cần quản lý thế nào để hạn chế mặt tiêu cực, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn bày tỏ, mục đích của cuộc tọa đàm nhằm lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có những nghiên cứu thấu đáo và hành động phù hợp để giảm thiểu tác động tiêu cực, phát huy hiệu quả tích cực ChatGPT đối với giáo dục.

“Đây là một cơ hội rất lớn mà chúng ta cần phải có những chính sách kịp thời... Trước hết, chúng ta cần bắt đầu thay đổi nhận thức, cách nhìn nhận những công nghệ này, cách đón nhận nó. Chúng ta không quá hào hứng nhưng chúng ta không quá lo ngại, hay hoảng sợ. Cách tốt nhất để hiểu nó, chính là dùng nó. Công nghệ, công cụ này có sẵn và toàn thể hơn 20 triệu học sinh, 1,5 triệu nhà giáo, chúng ta hãy dùng, hãy cảm nhận, hãy trải nghiệm để hiểu hơn... Tôi mong rằng, ở các nhà trường, các tổ chức, sau khi đã dùng, đã trải nghiệm rồi sẽ thảo luận tiếp, làm rõ hơn lợi ích mà ChatGPT mang lại, từ đó, các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cấp, ban, ngành sẽ có những chính sách lâu dài và kịp thời”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ.

Thống Nhất