Đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh: Sẵn sàng triển khai ngay sau khi Quốc hội thông qua
Đời sống - Ngày đăng : 14:20, 06/06/2022
Các tỉnh sẵn sàng
Đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh dài 73,64km, đi qua 4 địa phương là Long An (6,81km), Đồng Nai (11,26km), Bình Dương (10,76km) và thành phố Hồ Chí Minh (47,51km).
Tổng mức đầu tư dự án là 75.378 tỷ đồng được đầu tư bằng ngân sách trung ương và địa phương, trong đó, ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 là 31.380 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 14.322 tỷ đồng; còn lại là ngân sách địa phương.
Ba trong số bốn địa phương nơi tuyến đường đi qua (trừ Long An) có tốc độ phát triển và quy mô nền kinh tế lớn nhất Vùng trọng điểm kinh tế phía Nam; điều tiết ngân sách Trung ương cao nhất cả nước. Vùng trọng điểm kinh tế này tuy chỉ chiếm 9,2% diện tích cả nước, nhưng GRDP của vùng chiếm hơn 45% cả nước, đóng góp hơn 42% tổng thu ngân sách.
Tuy nhiên, hạ tầng giao thông trong khu vực rất thiếu và yếu. Toàn vùng hiện chỉ có khoảng 100km đường cao tốc thuộc 2 tuyến thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương (đi miền Tây Nam Bộ) và thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (đi miền Đông Nam Bộ) thường xuyên xảy ra ùn tắc, tai nạn do mật độ xe quá đông. Tình trạng này cũng đang tồn tại trên nhiều tuyến đường khác trong vùng. Vì vậy, tất cả kỳ vọng đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh sẽ “kích hoạt” sự phát triển kinh tế toàn vùng, đóng góp chung cho cả nước.
Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Long An, với 6,6km đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh qua địa phương, tỉnh có gần 5ha đất phải giải phóng mặt bằng với 350 hộ dân bị ảnh hưởng.
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Long An Trần Thiên Phúc cho biết, tỉnh đã bố trí xong 20ha đất phục vụ tái định cư, bảo đảm cho bà con có nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ; phấn đấu hoàn thành giải phóng mặt bằng vào quý II-2023 và thông xe toàn tuyến vào năm 2027.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng thông tin, tỉnh đã có phương án triển khai các hợp phần giải phóng mặt bằng và xây dựng đường song hành đoạn Vành đai 3 qua địa phương theo hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP). Cùng với đó, tỉnh đã rà soát 214ha đất sạch để bán đấu giá, có thể thu về 4.332 tỷ đồng và cam kết bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh đủ 50% trong tổng mức đầu tư dự án thành phần.
Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành cho biết, tỉnh đã chủ động thu hút nhiều nguồn đầu tư để hoàn thành hơn 15km đường Vành đai 3, giờ chỉ còn tập trung thực hiện hơn 10km còn lại với nhu cầu vốn khoảng 19.300 tỷ đồng (50% ngân sách Trung ương và 50% ngân sách địa phương), sẽ thực hiện trong giai đoạn 2022-2027.
“UBND tỉnh Bình Dương đã đề xuất Chính phủ cấp đủ phần vốn Trung ương trong 2 năm 2023-2024. Phần còn lại, tỉnh sẽ quyết tâm huy động để toàn tuyến Vành đai 3 qua Bình Dương được hoàn thành trong năm 2024, sớm 3 năm so với dự kiến”, ông Nguyễn Văn Dành nói.
Thành phố Hồ Chí Minh vượt khó
Với dự án Vành đai 3, UBND thành phố Hồ Chí Minh là địa phương gặp khó khăn nhất trong khâu giải phóng mặt bằng, với hơn 2.500 nhà dân phải di dời, 741 hộ bố trí tái định cư tại chỗ. Thành phố dự kiến bố trí tái định cư tại thành phố Thủ Đức 228 trường hợp, huyện Củ Chi 36 trường hợp, huyện Bình Chánh 452 trường hợp và 25 trường hợp ở huyện Hóc Môn.
Để có đủ vốn ngân sách địa phương bố trí cho dự án trong năm 2023-2024 (13.326 tỷ đồng), UBND thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các địa phương nơi dự án đi qua khảo sát, tính toán sơ bộ đơn giá các khu đất dọc theo dự án để bán đấu giá.
“Sau khi dự án được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, dự án được triển khai, giá trị các khu đất sẽ tăng thêm và có thể thu được nhiều tiền hơn qua đấu giá”, ông Lương Minh Phúc, Trưởng ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông - đô thị thành phố Hồ Chí Minh, thông tin.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, thành phố đã lập tổ công tác để lên kế hoạch tổng thể cho dự án đường Vành đai 3. Thành phố sẽ thành lập Ban chỉ huy dự án; lập Hội đồng cố vấn để tư vấn, hỗ trợ triển khai dự án.
“Có thể nói, dự án đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh là giấc mơ, khát vọng về sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Mong mỏi lớn nhất của chính quyền, nhân dân các địa phương nơi tuyến đường đi qua là dự án được thực hiện càng sớm càng tốt. Quá trình chuẩn bị dự án đường Vành đai 3, chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ Ủy ban Thường vụ và các Ủy ban của Quốc hội. Giờ đây, các địa phương rất mong nhận được sự ủng hộ của các đại biểu Quốc hội để dự án được thông qua”, ông Phan Văn Mãi đề nghị.