Tọa độ lửa Ma-lắc-ca
Thế giới - Ngày đăng : 08:47, 19/03/2006
Eo biển Ma-lắc-ca nằm giữa đảo Su-ma-tra và bán đảo Ma-lai, dài 965km, rộng gần 38km, nối Ấn Độ Dương - Biển Đông và là một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới. Dưới góc độ giá trị kinh tế và chiến lược, eo biển Ma-lắc-ca là một trong những tuyến vận tải biển quan trọng nhất trên thế giới, sánh ngang với kênh đào Su-ez hoặc kênh đào Pa-na-ma.
Eo biển này hình thành nên hành lang tàu thủy chính giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, nối ba nước đông dân nhất thế giới là ấn Độ, In-đô-nê-xi-a và Trung Quốc, và vì vậy được xem là điểm điều tiết giao thông quan trọng nhất ở châu Á.
Eo biển Ma-lắc-ca nổi tiếng với các cảng lớn như Be-la-wan của In-đô-nê-xi-a, Me-la-ka, Pe-nang của Ma-lai-xi-a. Xin-ga-po là điểm cuối cùng ở phía Nam của eo biển này. Mỗi năm, có khoảng 50.000 tàu thuyền lưu thông qua Ma-lắc-ca, với khối lượng vận chuyển chiếm khoảng 1/5 giá trị buôn bán đường biển của toàn thế giới. Năm 2003, một nửa số dầu mỏ vận chuyển bằng đường biển đi qua Ma-lắc-ca, tương đương với khoảng 11 triệu thùng (1,7 triệu m3/ngày, và mức độ nhộn nhịp của các hoạt động buôn bán ở khu vực này được dự đoán là sẽ tăng tỷ lệ thuận với nhu cầu tiêu thụ năng lượng ngày càng cao của Trung Quốc.
Điểm hẹp nhất của tuyến vận tải biển qua eo biển Ma-lắc-ca, đoạn kênh Phil-lips của eo biển Xin-ga-po, chỉ rộng 2,8km. Đây cũng là một trong những điểm thắt cổ chai quan trọng nhất trên thế giới, nơi tiềm ẩn những nguy cơ va chạm, mắc cạn hoặc tràn dầu: Khoảng 400 tuyến đường biển và 700 cảng biển trên toàn thế giới phải nhờ vào Ma-lắc-ca và eo biển Xin-ga-po để đến cảng Xin-ga-po. 80% lượng dầu của Nhật Bản nhập từ Trung Đông phải qua eo biển Ma-lắc-ca. Nếu bỏ qua eo biển này, con tàu sẽ phải trải qua chặng đường hơn 2.200km tính từ vùng Vịnh, và nếu đóng cửa Ma-lắc-ca, tần suất vận chuyển của các tuyến đường biển và đường không trên toàn thế giới sẽ ngay lập tức tăng vọt. Vai trò chiến lược của eo biển Ma-lắc-ca sẽ còn quan trọng hơn trong vài năm tới, khi khối lượng dầu mỏ của Trung Quốc nhập khẩu từ Trung Đông tăng mạnh.
Eo biển Ma-lắc-ca từng được đặt dưới sự kiểm soát của các nước A-rập, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Anh. Vào giữa thế kỷ 19, đây là nơi ẩn náu của những tên cướp biển mà mục tiêu của chúng là nhằm vào những tàu buôn của Anh và Hà Lan. Cho đến nay, những đoạn eo biển hẹp, những vỉa đá ngầm nông, hàng nghìn hòn đảo nhỏ và mật độ qua lại dày đặc của khoảng 900 chuyến tàu thương mại mỗi ngày đã khiến vùng biển này không chỉ là giấc mơ của những tên cướp biển, mà còn cả những nhóm khủng bố và nổi dậy. Cướp biển đã là vấn đề đáng kể ở Ma-lắc-ca trong những năm gần đây, tăng từ 25 vụ năm 1994 lên mức kỷ lục là 220 năm 2000, giảm còn 150 vào năm 2003, nhưng lại bắt đầu nghiêm trọng trở lại vào những tháng đầu năm 2004. Mối đe dọa khủng bố tập trung vào khả năng một tàu lớn có thể bị cướp và đánh đắm ở một điểm nước nông (nơi nông nhất của eo biển Ma-lắc-ca là 25m), gây ách tắc trên toàn tuyến đường biển này, và khi đó, thương mại toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một nguy cơ khác là khói bụi xuất hiện mỗi năm do những đám cháy rừng lớn ở Su-ma-tra. Khói bụi có thể khiến tuyến đường biển này bị kẹt cứng, theo đúng nghĩa đen của từ này, do tầm nhìn bị hạn chế xuống tới 200m, khiến các hoạt động vận tải ở những đoạn đường hẹp và đông đúc trở nên nguy hiểm.
Vụ đánh bom khủng bố trên đảo nghỉ mát Ba-li, của In-đô-nê-xi-a tháng 10-2002 đã khiến cả khu vực lo ngại rằng các mục tiêu khác, gồm cả những điểm trung chuyển dầu mỏ như eo biển Ma-lắc-ca, có thể trở thành mục tiêu của những phần tử khủng bố. Kể từ tháng 11-2002, dù mức bảo hiểm đối với những tàu chở dầu đi qua khu vực này không bị ảnh hưởng, nhưng các công ty bảo hiểm đã đặt các cảng của In-đô-nê-xi-a dưới “nguy cơ chiến tranh cao”, có nghĩa là những tàu cập cảng này phải có sự đồng ý cụ thể của người ký nhận trách nhiệm thanh toán các hợp đồng bảo hiểm. Tương tự, Xin-ga-po và Ma-lai-xi-a đã bắt đầu hộ tống các tàu chở dầu và tăng cường tuần tra ở hải phận của họ. Thái Lan cũng một đôi lần đưa ra những kế hoạch mà nếu được tiến hành sẽ giảm bớt tầm quan trọng kinh tế của Ma-lắc-ca, đó là xây dựng một kênh đào cắt ngang qua điểm Isthmus của vùng Kra. Kênh đào này sẽ chia đôi Thái Lan, cô lậphơn khu vực Pat-ta-ni có đa số dân là người Hồi giáo sinh sống, và nhất là rút ngắn bớt khoảng hơn 1.000km cho đoạn đường biển đi từ châu Phi và Trung Đông đến Thái Bình Dương.
HNM