Trách nhiệm với thể thao Thủ đô
Thể thao - Ngày đăng : 16:34, 20/10/2022
Đáng chú ý, sự phối hợp tổ chức ấy đã xuất hiện từ những lần tổ chức đầu tiên của giải, mang dáng dấp xã hội hóa thể thao dù lúc đó chưa có khái niệm này. Không chỉ có giải chạy, chính Giải bóng bàn các câu lạc bộ Hà Nội mở rộng tranh Cúp Báo Hànộimới cũng do Báo Hànộimới chủ động đề xuất phối hợp tổ chức với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khi nhận thấy phong trào tập luyện bóng bàn đang phát triển mạnh mẽ, người chơi cần có một sân chơi chất lượng.
Thực tế, chỉ có sự phối hợp chặt chẽ nói trên mới có thể nâng tầm các giải đấu. Trong đó, cơ quan quản lý về thể dục thể thao chịu trách nhiệm về hệ thống sân bãi, dụng cụ thi đấu, trọng tài... Còn Báo Hànộimới chịu trách nhiệm về giải thưởng, truyền thông, kêu gọi tài trợ nhằm bảo đảm giải đấu lan tỏa sâu rộng nhất.
Cũng nhờ thế, các giải đấu ngày càng được nhiều người biết đến. Như Giải bóng bàn các câu lạc bộ Hà Nội mở rộng tranh Cúp Báo Hànộimới 2022, diễn ra vào đầu tháng 11 tới, tính đến nay đã có hơn 50 đội đăng ký tham dự; khâu kêu gọi tài trợ đã đủ để lo giải thưởng, công tác truyền thông. Trong khả năng của mình, Báo Hànộimới vẫn luôn xác định rõ trách nhiệm với thể thao Thủ đô, để ít nhất duy trì và phát triển giải đấu của 2 môn thể thao được người dân Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác yêu thích, lựa chọn tập luyện.
Đến lúc này, mô hình xã hội hóa trong tổ chức giải đấu thể thao Hà Nội đã phát triển ở nhiều bộ môn, trong đó có bóng rổ, cờ vua, bơi chải thuyền rồng... Tất cả đều cho thấy hiệu quả rõ nét và cần tiếp tục được nhân rộng ở nhiều môn thể thao khác. Quan trọng vẫn là khâu kết nối giữa ngành Thể thao với các đơn vị, doanh nghiệp để có nguồn kinh phí nâng tầm giải đấu, thực hiện các hạng mục khác nằm ngoài “tầm với” của ngân sách. Mục đích cuối cùng vẫn là đem đến điều kiện tốt nhất cho vận động viên tham gia và tạo động lực cho thể thao Thủ đô, cả ở mảng phong trào cũng như thành tích cao, phát triển tương xứng với tiềm năng.