Sông Hương có giá trị đặc biệt về văn hóa
Chính trị - Ngày đăng : 08:36, 06/03/2006
Dòng sông của lòng người
Nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân mở đầu câu chuyện lịch sử “đương đại” của sông Hương bằng lời khuyên: “Đừng vội mang chuyện “hồ sơ” ách tắc ra. Đau đầu lắm! Hãy nhớ xem các cụ ngày xưa nói gì về sông Hương?”.
Tôi buột miệng: “Hương Giang nhất phiến nguyệt/Kim cổ hứa đa sầu (Sông Hương như mặt trăng, gợi nên bao mối tình xưa nay)”.
Nguyễn Đắc Xuân mân mê cái khay cạn sóng sánh nước có trồng ba bông súng màu tím nhạt trên bàn, tự bạch rằng ông đã hơn 70 tuổi, có 43 năm chăm chỉ vùi đầu tra cứu tàng thư, sách vở để góp phần giữ cái gốc cho Huế, giờ ngẫm lại vẫn giật mình trước hàm ý của người xưa.
Nhưng theo ông, Đào Tấn đã hiểu đúng sông Hương khi phát hiện: “Cộng ẩm Hương Giang thủy/Vô nhân thức thủy hương (Cùng uống nước sông Hương nhưng không ai biết hết cái vị nước sông)”.
Với cái nhìn của một nhà nghiên cứu về Huế và với giao cảm đồng điệu của những người nặng lòng với Huế, ông Nguyễn Đắc Xuân không còn hồ nghi về sự nhạy cảm của sông Hương, về mối quan hệ máu thịt giữa lịch sử, con người, mảnh đất Huế, kinh thành Huế trong đó sông Hương là xương sống.
Ông nói: “Con sông đẻ ra ca Huế, đẻ ra nhã nhạc và toàn bộ hệ thống đền đài, điện, miếu, lăng tẩm, thành quách... thuộc về kinh thành Huế đều lấy trục sông Hương làm chuẩn. Nhà Nguyễn đã xây dựng kinh thành lùi về phía sau, nằm khiêm tốn cách dòng sông một tầm nhìn với một ý thức rõ ràng là không đụng đến cảnh quan nguyên sơ của nó. Nói cách khác, người ta đã nhận được giá trị đặc biệt của sông Hương và đã tôn trọng bản ngã của sông Hương”.
Ông Nguyễn Đắc Xuân nhận xét, đã ngàn đời nay, dòng sông miệt mài tích lũy bồi đắp một nền văn minh sông nước và hóa thân trong cái đẹp của Huế.
Viễn cảnh sông Hương
Việc trì hoãn lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận sông Hương và cảnh quan đôi bờ sông Hương là di sản văn hóa thế giới trong mấy ngày gần đây đã làm dư luận bức xúc. Tuy nhiên, dòng sông Hương không phải lần đầu gặp “sóng gió”, mặc dù cơ hội sớm nhất đã bị vuột mất.
Ông Phùng Phu, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết: UBND tỉnh không ra văn bản tạm ngừng việc lập hồ sơ sông Hương nhưng cũng không chỉ đạo hoàn thành hồ sơ theo kế hoạch (tức là phải đệ trình hồ sơ trước 1-2-2006 theo quy định tại kỳ họp 29 của ủy ban Di sản thế giới họp tại Tô Châu, Trung Quốc cách đây 2 năm). ông Phùng Phu cho biết thêm, hiện hồ sơ chỉ mới xong phần đề cương và tập hợp các tư liệu liên quan!
Một cán bộ ngành VH-TT ở TT-H cho rằng: Cơ hội để sông Hương trở thành di sản văn hóa thế giới đã “chín muồi” cách đây 2 năm, ngay khi UNESCO đề nghị tỉnh Thừa Thiên-Huế lập hồ sơ về sông Hương tại kỳ họp 29. Tuy nhiên, việc tỉnh Thừa Thiên-Huế “không mặn mà” trước cơ hội của sông Hương buộc dư luận phải đặt dấu hỏi ngay trong sự trùng hợp giữa 2 sự kiện: dự án trên đồi Vọng Cảnh và hồ sơ của sông Hương.
Số phận của sông Hương đang chờ Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế quyết định. Những ai quan tâm đến Huế, yêu Huế đều mong muốn sông Hương luôn là linh hồn của Huế và con người cần có thái độ đối xử công bằng với con sông ấy.
SGGP