Tháo gỡ "điểm nghẽn", thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô 6 tháng cuối năm 2022

Đời sống - Ngày đăng : 10:24, 06/07/2022

(HNMO) - Sáng nay (6-7), kỳ họp thứ bảy, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI bước sang ngày làm việc thứ 2. Trong buổi sáng, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận tại hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thu - chi ngân sách 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 của thành phố.

Các đồng chí Thường trực HĐND thành phố chủ trì buổi thảo luận tại hội trường.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên điều hành phiên họp.

Tháo gỡ rào cản về vốn và mặt bằng

Các đại biểu cho rằng, 6 tháng qua, thành phố đã cơ bản kiểm soát tốt dịch Covid-19 và triển khai mạnh mẽ các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong nhiều tháng trở lại đây, tạo động lực để hoàn thành các chỉ tiêu năm 2022. Đặc biệt, bằng sự nỗ lực của hệ thống chính trị thành phố, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, tạo tiền đề mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho thành phố trong tương lai gần.

Theo đại biểu Phạm Đình Đoàn (tổ đại biểu huyện Mê Linh), bên cạnh những kết quả tích cực, Hà Nội vẫn còn nhiều rào cản về vốn và mặt bằng, dẫn đến các dự án chưa phát huy được như kỳ vọng. Đáng lưu ý, giải ngân đầu tư công là rất yếu kém, con số giải ngân đầu tư công đến ngày 16-6 mới đạt gần 18%, thấp hơn mức trung bình cả nước, trong đó nhiều dự án mới giải ngân dưới 5%. Đây là điểm nghẽn trong thúc đẩy phát triển kinh tế mà 6 tháng cuối năm 2022 cần phải có giải pháp cụ thể về nội dung này.

Đại biểu Phạm Quang Thanh thảo luận.

Đại biểu Phạm Quang Thanh (tổ đại biểu huyện Sóc Sơn) cho rằng, thành phố cần chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung tháo gỡ, xử lý đối với tình trạng một số dự án, công trình trọng điểm về giao thông, khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, môi trường, tiến độ triển khai còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Việc chậm này, theo ông Phạm Quang Thanh là do quy trình thủ tục chưa thông thoáng, vì thế cần quyết liệt tháo gỡ cho những tháng cuối năm 2022.

Đại biểu Nguyễn Xuân Đại (tổ đại biểu huyện Hoài Đức) cho rằng, thành phố cần tập trung chỉ đạo quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa trong triển khai các dự án đầu tư công, các công trình trọng điểm của thành phố để nâng cao tỷ lệ giải ngân; đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, để thực hiện dự án đầu tư. Đặc biệt, khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và chuẩn bị thực hiện để sớm khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

Đại biểu Trần Anh Tuấn (tổ đại biểu thị xã Sơn Tây) đề xuất, thành phố cần tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy, phục hồi sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ. Đối với thị xã Sơn Tây, qua 2 tháng thí điểm triển khai phố đi bộ cho thấy có sự chuyển biến rất tích cực trong du lịch, thu hút các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa, đề nghị thành phố quan tâm phát triển dịch vụ kinh tế ban đêm, cải tạo lại chợ Nghệ, đưa xe điện hoạt động, tạo không gian đô thị gắn với văn hóa xứ Đoài.

Cần khai thông nguồn lực từ đất

Đại biểu thuộc các tổ đại biểu huyện Sóc Sơn, Hoài Đức, Mê Linh và thị xã Sơn Tây cho rằng, công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố còn nhiều tồn tại, khó khăn, nhất là về quy trình, thủ tục hành chính, các quy định mới của pháp luật liên quan đến công tác đấu giá quyền sử dụng đất và có thể ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách năm 2022. Nguyên nhân chậm xác định giá sàn thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, vì thế, các đại biểu đề nghị thành phố phân cấp nhiều hơn trong thực hiện đấu giá các dự án trên 30 tỷ đồng.

Đại biểu Phạm Đình Đoàn thảo luận.

Theo các đại biểu Phạm Đình Đoàn (tổ đại biểu huyện Mê Linh) và Nguyễn Xuân Đại (tổ đại biểu huyện Hoài Đức), thành phố cần nghiên cứu, tiếp tục thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để triển khai; cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan khi có đến 13/25 quận, huyện chưa tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất được, thu ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất 6 tháng đầu năm mới đạt khoảng 25% dự toán năm 2022 là thấp.

Các đại biểu đề xuất, thành phố cần kiến nghị với Trung ương đối với các vướng mắc, bất cập trong các chính sách (như công tác ứng vốn giải phóng mặt bằng thông qua Quỹ Đầu tư phát triển đất, công tác thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng trên địa bàn thành phố...). Nghiên cứu, tiếp tục thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để triển khai các dự án trên địa bàn thành phố, trong đó nhấn mạnh việc áp dụng cơ chế này để thực hiện cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố và công tác đấu giá, đấu thầu chung trên địa bàn thành phố, có như vậy mới khơi thông được nguồn lực cho phát triển.

Tiếp tục phân cấp mạnh cho cơ sở

Về phân cấp quản lý nhà nước giữa các cấp chính quyền địa phương của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, các đại biểu đề nghị UBND thành phố cần đánh giá kỹ hơn việc thực hiện phân cấp gắn với cơ chế phối hợp giữa các ngành của thành phố với nhau, giữa các ngành với các quận, huyện, thị xã của thành phố.

Trong đó, nhiều đại biểu đề cập, cần phân tích làm rõ thêm tồn tại và nguyên nhân liên quan đến công tác bàn giao đối với những hạng mục công việc đã thực hiện đấu thầu, khi phân cấp về cấp huyện thì vẫn còn chậm, muộn trong việc chia tách gói thầu, làm gián đoạn triển khai các nhiệm vụ, để thực hiện điều chỉnh phân cấp trong thời gian tới.

Giải pháp tháo gỡ lĩnh vực này là cần đánh giá thêm về việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính gắn liền với phân cấp, phân quyền từ cấp thành phố đến cấp xã nhằm đề xuất các giải pháp, lộ trình phân cấp, phân quyền để triển khai các thủ tục hành chính phù hợp; nghiên cứu, bổ sung đánh giá, rà soát các bất cập trong việc phân cấp, đặc biệt trong công tác quản lý cây xanh, vỉa hè, lòng đường...

Đối với giải pháp về điều chỉnh phân cấp, các đại biểu đề nghị tiếp tục thực hiện theo nguyên tắc: Cấp nào làm tốt hơn thì giao cho cấp đó thực hiện; từng bước đồng bộ phân cấp đầu tư và quản lý sau đầu tư và đi đôi với phân cấp kinh tế - xã hội là phân cấp nguồn thu nhiệm vụ chi; đặc biệt quan tâm tới nhóm địa phương còn khó khăn, nguồn lực còn hạn chế, hạ tầng kinh tế còn thấp nhằm phục vụ tốt nhất đời sống dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; nhấn mạnh nguyên tắc phân cấp, ủy quyền phải đúng luật, bảo đảm sự ổn định và có lộ trình; đồng thời cần phải phân cấp thủ tục hành chính, chú ý khi phân cấp phải giảm được số lượng thủ tục hành chính cấp thành phố...

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải trình bày báo cáo tại phiên họp.

Tại hội trường, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải tiếp thu, giải trình thêm các vấn đề đại biểu quan tâm, thảo luận. Trong đó, nhấn mạnh quan điểm thành phố tiếp tục phân cấp mạnh cho cơ sở; tập trung các giải pháp để đổi mới trong chỉ đạo, điều hành, quyết liệt trong hành động, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành của thành phố; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tăng cường công tác phòng, chống tội phạm và phòng, chống cháy nổ trên địa bàn thành phố. 

Tổng hợp các ý kiến thảo luận tại tổ và hội trường, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà cho biết, có 45 đại biểu với 87 ý kiến thảo luận tại tổ và 5 ý kiến thảo luận tại hội trường. Các ý kiến đều thể hiện tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ cho các nhiệm vụ trọng tâm của thành phố trong 6 tháng đầu năm 2022 và thời gian tiếp theo. Một số nội dung đã được lãnh đạo UBND thành phố giải trình tại kỳ họp. Song, đại biểu cũng mong muốn, thời gian tới, UBND thành phố tiếp tục nâng cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, thực hiện tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và các nhiệm vụ trọng tâm khác của thành phố.

Vũ Thủy - Ảnh: Viết Thành