Kim tiêm - “vũ khí” nguy hiểm của bọn tội phạm
Chính trị - Ngày đăng : 08:22, 22/02/2006
Cán bộ, chiến sỹ Phòng CSĐT về trật tự - an toàn xã hội (CA quận Tây Hồ) họp triển khai công tác Ảnh: Linh Tâm
Chiếc kim tiêm là vốn dụng cụ y tế, dùng để tiêm thuốc cứu người. Khi kim tiêm rơi vào tay người nghiện ma túy, chúng trở thành dụng cụ tiêm chích. Kim tiêm đã qua tay người nghiện ma túy sử dụng sẽ trở thành thứ hung khí “bẩn”, rất nguy hiểm bởi người nghiện ma túy có nguy cơ mắc bệnh AIDS rất cao. “Dính” phải loại hung khí này, đau đớn tức thời thì ít mà di hại lâu dài mới đáng ghê sợ. Chỉ cần sây sát nhỏ khi va chạm với loại hung khí này, nạn nhân sẽ có nguy cơ trở thành bệnh nhân AIDS. Chính vì tính chất nguy hiểm của loại hung khí này mà bọn tội phạm gần đây thường sử dụng kim tiêm để gây án.
Tình trạng dùng bơm kim tiêm đe dọa chiếm đoạt tài sản xảy ra liên tục gây nhức nhối trong dư luận, CA các địa phương đã có báo cáo chuyên đề riêng lên Bộ CA vềvấn đề này. Tại Lạng Sơn, ngày 13-2, anh Nguyễn Văn Minh làm nghề xe ôm, nhận chở một thanh niên đi đến khu vực thôn Pàn Pè (xã Hoàng Đồng, TP Lạng Sơn) bị chính thanh niên đó dùng dao nhọn, bơm tiêm đe dọa cướp xe. Ngày 14-2, cháu Kiều Đức Vũ (SN 1989, ở phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai) trên đường đi học về, bị một thanh niên nhảy lên phía sau xe đạp, ép đi vào ngõ D1A khu tập thể Tân Mai (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai), dùng kim tiêm đe dọa, chiếm đoạt của cháu chiếc xe trị giá 1,1 triệu đồng. 22h ngày 17-2, cháu Trần Quang Huy (SN 1990, ở phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai) đi xe đạp trên đường Trường Chinh, bị 2 đối tượng dùng bơm kim tiêm đe doạ cưỡng đoạt xe đạp...
Không chỉ dùng kim tiêm để gây án, khi bị lực lượng CA phát hiện, bắt giữ hoặc cưỡng chế, các đối tượng tội phạm, sẵn sàng chống trả bằng thứ hung khí này. Đơn cử, ngày 13-2, tại huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), Châu Văn Như (SN 1964), là đối tượng nghiện ma túy, dùng dao, bơm kim tiêm chứa máu đe dọa để lấy tiền của nhân viên thu tiền điện. CA huyện Vân Đồn đã kịp thời phát hiện và bắt giữ đối tượng. Trong quá trình đấu tranh, đối tượng dùng dao, gạch đá, kim tiêm chống trả lại lực lượng CA. Hay như sáng 8-2, thực hiện kế hoạch đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc, CA xã Cổ Nhuế (huyện Từ Liêm) đến làm thủ tục đưa đối tượng Đỗ Anh Chiến (SN 1973 trú xóm 5, Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, có quyết định đi cai nghiện) vào Trung tâm Cai nghiện của thành phố. Không chấp hành, Chiến đã điên cuồng dùng kim tiêm chống trả. Mũi kim đâm vào ngón tay đồng chí Nguyễn Chiến Lũy (CA viên xã Cổ Nhuế). Vết đâm chỉ gây thương tích nhẹ cho đồng chí Lũy, nhưng cùng với việc khẩn trương “cấp cứu” các bác sĩ còn phải tiêm thuốc phòng ngừa…
Nguy hiểm là thế nhưng thực tế hiện nay, lực lượng CA chưa tìm ra biện pháp hữu hiệu để chống lại thứ vũ khí “bẩn” này. CBCS CA chẳng có một thứ “áo giáp” nào, chẳng có thứ thuốc miễn dịch nào để chống lại cái kim tiêm nhỏ bé nhưng nguy hiểm. Việc áp dụng biện pháp mạnh để khuất phục tội phạm sử dụng kim tiêm cũng khó thực hiện bởi kim tiêm chưa được coi là vũ khí “nóng”. Trong trường hợp trên tay tội phạm là xi lanh kim tiêm, liệu lực lượng CA có được quyền nổ súng? Ngoài ra, khi bị thương vì kim tiêm trong quá trình bắt giữ tội phạm, việc chữa chạy sẽ được áp dụng theo chế độ nào khi mà tỷ lệ thương tật khó định lượng? Những câu hỏi chưa được giải đáp đó còn là khó khăn vô hình bó tay lực lượng CA trong quá trình làm nhiệm vụ.
Về mặt nhận thức, đã đến lúc phải coi tội phạm sử dụng kim tiêm làm hung khí là loại đối tượng nguy hiểm và kim tiêm phải được coi là thứ vũ khí chết người. Đối mặt với loại tội phạm trên, lực lượng CA cần phải được quyền trấn áp bằng những biện pháp mạnh, thậm chí nổ súng. Rõ ràng, chỉ có biện pháp mạnh mới là cách “ứng xử” hợp lý với loại tội phạm và vũ khí “bẩn” này.
HNM