Làng Phúc Xá

Xã hội - Ngày đăng : 14:18, 15/02/2006

(HNMĐT) - Làng Phúc Xá nằm ở ven sông Hồng. Dân làng này vốn ở làng An Xá (khu vực chùa Một Cột), có đền thờ và chùa An Xá ở khu vực điện Kính Thiên ngày nay. Theo một số nhà nghiên cứu thì đây là quê hương của Lý Thường Kiệt (1009 - 1105) - vị anh hùng dân tộc, vị chỉ huy cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống năm 1075, đầu năm 1076.

(HNMĐT) - Làng Phúc Xá nằm ở ven sông Hồng. Dân làng này vốn ở làng An Xá (khu vực chùa Một Cột), có đền thờ và chùa An Xá ở khu vực điện Kính Thiên ngày nay. Theo một số nhà nghiên cứu thì đây là quê hương của Lý Thường Kiệt (1009 - 1105) - vị anh hùng dân tộc, vị chỉ huy cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống năm 1075, đầu năm 1076.

Ông tên thật Ngô Tuấn, khi đó đang giữ chức quan là Trung thư xá nhân, Trung thư giám, Đình uý sứ, tước Quảng Châu hầu, được ban quốc tính. Khi thành Thăng Long được mở rộng, dân làng An Xá đã chuyển cư ra bến sông Hồng, chuyển cả chùa An Xá và ngôi đền thờ thần. Quan Quảng Châu hầu Ngô Tuấn đã tâu xin Vua Lý ban sắc chỉ định rõ địa giới làng An Xá mới ở bãi sông Hồng. Theo đó, địa dư làng An Xá rất rộng, phía trên từ Quỳnh Giao (nay là thôn Phú Gia, Phú Xá, tức làng Gạ, làng Xù, thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ), phía dưới đến Đống Mạc (Ô Đống Mác, có thuyết nói đến Đồng Nhân), vì thế mới có câu “Thượng Xù, Gạ, hạ Đống Mác”. Ngô Tuấn lại xin Vua cho dân làng được việc miễn tất cả các khoản thuế khóa, sưu sai tạp dịch vì dân làng đã nhường đất để Vua xây cung điện, trong khi tại nơi ở mới, dân làng chỉ có đất bãi trông dâu chăn tằm. Vua chấp thuận, lại cho làng được thu tiền thuế tất cả các bến đò dọc sông theo địa phận làng. Vua Lý Thái Tổ đã chuẩn y lời xin của Ngô Tuấn.

Hơn 100 năm sau khi chuyển ra bãi sông Hồng, Vua Lý Thần Tông một lần cười thuyền rồng trên sông Hồng ngắm cảnh, qua làng An Xá, thấy nhà dân trong làng đều làm sàn để ở nên cho đổi tên làng thành “Cơ Xá” (Cơ = máy móc). 

Những tư liệu trên đây về lịch sử của làng Phúc Xá được ghi chép trong bản gia phả họ Lê làng Phúc Xá, soạn lại năm Tự Đức thứ 28 (1875) và bài Minh trên quả chuông đúc ngày 22 tháng Ba năm Thịnh Đức thứ hai (1654) ở chùa An Xá, hiện chùa này còn được bảo quản khá tốt, tại thôn Bắc Biên, xã Ngọc Thụy, quận Long Biên.

Qua quá trình lịch sử, làng An Xá đông đúc dần, chia thành nhiều làng nhỏ, nay hợp, mai tách. Đến đầu thế kỷ XX, làng An Xá đã phát triển thành bốn cụm dân cư. : khu vực bãi Tân ?p và bãi Phúc Xá vốn là “Cơ Xá Tây Biên” (làng Cơ Xá ở bờ Tây sông Hồng, năm 1911 đổi thành Phúc Xá, năm 1926 có 1474 nhân khẩu); khu vực phố Nguyễn Huy Tự - Lê Quý Đôn là Cơ Xá Nam Biên; bãi giữa sông Hồng là Cơ Xá Trung Hà. Cụm dân cư thứ tư đã vượt sông Hồng, sang sống ở giáp làng Bắc Biên xã Ngọc Thuỵ hiện nay gọi là Cơ Xá Bắc Biên. Bộ phận cư dân này đã chuyển luôn cả ngôi chùa An Xá sang sông, nên hiện nay chùa này nằm giữa thôn Bắc Biên và làng Trung Hà và chùa hiện là chùa chung của hai thôn. Trên quả chuông nêu trên còn khắc Lệnh chỉ của Chúa Trịnh Tráng cho dựng lại chùa An Xá vì chùa bị đổ nát.

Dân làng Cơ Xá - Phúc Xá xưa kia chuyên sống bằng nghề trồng hoa màu, trồng dâu chăn tằm kết hợp buôn bán.

Trong những năm 1936 - 1939), bãi Phúc Xá là nới tập trung nhiều thợ thuyền nên là nơi hoạt động của nhiều cán bộ cao cấp của Đảng. Tháng 8 - 1939, đồng chí Hoàng Văn Thụ - Xứ ủy Bắc Kỳ đã chủ trì cuộc họp Xứ ủy tại bãi Phúc Xá, đề ra chủ trương rút vào hoạt động bí mật, chuyển trọng tâm công tác về nông thôn. 

Ngày 17 - 2 - 1947, Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Liên khu I đã qua gầm cầu Long Biên, theo phố Phúc Xá hiện nay để lên Tam Tổng (tức Tứ Liên) rồi vượt sông Hồng, sang Đông Anh, lên Việt Bắc.

TS. Bùi Xuân Đính

TUYETMINH