Rối như canh hẹ
Giáo dục - Ngày đăng : 07:53, 15/02/2006
Sau lần gửi lấy ý kiến Sở GD - ĐT các tỉnh thành dạo cuối năm ngoái, văn bản về vấn đề tuyển sinh vào lớp 10 THPT phân ban lần này mang tên “Dự thảo phương án” chứ không còn là Dự thảo quy chế và có “chua” thêm một dòng in nghiêng “ những nội dung chủ yếu của Quy chế tuyển sinh lớp 10 sửa đổi”.
Phải chăng, yêu cầu logic, khoa học và sự chặt chẽ của một văn bản mang tên “phương án” không cần yêu cầu cao như một “ quy chế” nên bản dự thảo, đã được gửi tới các địa phương và sẽ được bàn thảo trong Hội nghị giao ban giám đốc các Sở GD - ĐT sẽ diễn ra ngày 17-2 tới “rối như canh hẹ” vì những mâu thuẫn ngay trong chính văn bản này cũng như những quy định thiếu rõ ràng của nó.
Điểm mấu chốt của việc sửa đổi quy chế lần này là phương thức tuyển sinh vào lớp 10 năm tới. Đây là năm đầu tiên không còn kỳ thi tốt nghiệp THCS theo Luật Giáo dục năm 2005 và cũng là năm đầu triển khai đại trà chương trình phân ban. Trước kia, khi còn có kỳ thi tốt nghiệp THCS, việc tuyển sinh vào lớp 10 THPT được các địa phương thực hiện theo một trong các phương án: thi tuyển 2 môn thi, xét tuyển bằng kết quả tốt nghiệp và dùng kết quả tốt nghiệp vừa để xét tốt nghiệp vừa làm căn cứ tuyển sinh. Nay, bỏ kỳ thi tốt nghiệp nên Bộ GD-ĐT cần phải hướng dẫn phương án tuyển sinh và đưa vào quy chế thi sửa đổi. Mục tiêu của việc làm này không chỉ nhằm đảm bảo tuyển đúng học sinh có khả năng học tiếp bậc THPT mà còn phải có tác dụng giữ vững chất lượng ở bậc THCS khi đã bỏ kỳ thi cuối cấp. Để triển khai thực hiện Luật Giáo dục năm 2005, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đã được Bộ GD-ĐT soạn thảo và đang trình Chính phủ ban hành. Trong Nghị định này, phần về phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT có quy định: việc tuyển sinh vào lớp 10 THPT do UBND tỉnh thành quyết định theo một trong 3 phương án: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Tuy nhiên dự thảo quy chế tuyển sinh mà Bộ GD-ĐT tung ra lấy ý kiến lần trước thì lại ghi chỉ có 2 phương án là xét tuyển và thi tuyển. Tại cuộc họp báo trước Tết Nguyên đán, khi có ý kiến nêu lên sự thiếu thống nhất giữa hai văn bản này của Bộ, 2 Thứ trưởng Bộ GD-ĐT chủ trì cuộc họp Nguyễn Văn Vọng và Phạm Vũ Luận đều khẳng định lãnh đạo Bộ nghiêng về phía 3 phương án và các văn bản hướng dẫn mang tính pháp quy của Bộ sẽ phải có sự điều chỉnh cho nhất quán và phải thật rõ ràng để ai đọc cũng hiểu. Ngay trước Tết, khi kết luận một hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển cũng đã khẳng định, phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT sẽ phân cấp cho UBND các tỉnh thành lựa chọn theo một trong 3 phương án: xét tuyển, thi tuyển và kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.
Những tưởng như thế là đã quá rõ ràng, nhưng dự thảo “phương án” lần này của Bộ lại không rõ ràng chút nào. Xin trích nguyên văn mục “Việc lựa chọn phương thức tuyển sinh”: Mỗi trường THPT có 1 trong 2 phương thức xét tuyển hoặc thi tuyển. Sở GD & ĐT trình UBND cấp tỉnh quyết định phương thức tuyển sinh của địa phương: xét tuyển hoặc thi tuyển hoặc vừa xét tuyển vừa thi tuyển”. Giải thích về điểm “Mỗi trường THPT có 1 trong 2 phương thức xét tuyển hoặc thi tuyển”, tại cuộc họp báo nói trên, Vụ trưởng Vụ THPT Lê Quán Tần nói: có những địa phương, trường thị xã, thị trấn có số học sinh đăng ký vào đông thì phải thi tuyển để chọn lựa; còn trường ở vùng xã, vùng sâu thì cứ học sinh nào tốt nghiệp THCS cũng có thể vào học THPT thì chỉ cần xét kết quả học tập ở THCS là đủ. Với logic như vậy thì câu sau “Sở GD&ĐT trình UBND cấp tỉnh quyết định phương thức tuyển sinh của địa phương: xét tuyển hoặc thi tuyển hoặc vừa thi tuyển vừa xét tuyển” có nghĩa là: ở tỉnh đó, có thể tổ chức thi toàn tỉnh, có thể xét tuyển toàn tỉnh, nhưng cũng có thể có trường thì thi tuyển (trường thị xã, thị trấn, thành phố) có trường thi xét tuyển (trường ở khu vực vùng sâu, vùng xa). Quy định như thế, tuyệt nhiên không thấy phương thức “kết hợp thi tuyển và xét tuyển” với những nét ưu việt dù là vất vả khi triển khai đâu cả. Viết như vậy, nếu lướt qua, có thể nhầm tưởng phương án này đã tuân theo dự thảo Nghị định, nhưng có lẽ đây là cách “lách” của người soạn thảo ? Không hiểu, tại sao một việc hệ trọng liên quan đến chất lượng giáo dục của một quốc gia như vậy mà văn bản hướng dẫn của Bộ lại thiếu sáng sủa đến như vậy. Thứ trưởng Phạm Vũ Luận đã nói rất đúng tại cuộc họp báo rằng: văn bản của Bộ phải rõ ràng, nếu đến cán bộ quản lý của ngành còn không hiểu hoặc có cách hiểu khác nhau thì làm sao dân hiểu cho đúng được. Quan điểm đúng đắn đó của lãnh đạo ngành có vẻ như không đến được cấp dưới ?
Tiếp đến là phần căn cứ tuyển sinh. Dự thảo Phương án ghi “ Căn cứ để tiến hành tuyển sinh là kết quả học tập các môn học (các môn học tính điểm trung bình) ở lớp 9 hoặc điểm các bài thi (nếu thi tuyển) và điểm ưu tiên, khuyến khích nếu có”. ở điểm này có 2 điều đáng nói: thứ nhất là quy định căn cứ như thế tức là không có phương án kết hợp xét tuyển và thi tuyển. Thứ 2 là Bộ GD-ĐT đã “quên” mất mục tiêu giáo dục toàn diện do chính mình đặt ra. Chỉ căn cứ vào kết quả học tập, còn kết quả rèn luyện thì sao ? Mà kết quả học tập chỉ ở lớp 9, lại chỉ có các môn học có tính điểm trung bình, thế thì những môn năng khiếu, môn tự chọn… thì sao ? Hay Bộ cũng coi đấy là những môn phụ như thực tế nó vẫn diễn ra ?
Phần thứ 3 cần nói là mục “Diện ưu tiên, khuyến khích và điểm cộng thêm”. So với quy chế cũ có thêm khái niệm “điểm cộng thêm”, nhưng trong văn bản này không định nghĩa thế nào là điểm cộng thêm và phần diễn giải của mục này cũng không thấy nói gì đến điểm này. Tuy nhiên, theo như quan điểm của Vụ trưởng Vụ THPT, người vẫn kiên định bảo vệ phương án chỉ có thi tuyển và xét tuyển, thì có lẽ điểm cộng thêm chính là phần điểm dành để đánh giá kết quả học tập ở bậc THCS. Bởi trong cuộc họp báo, ông Lê Quán Tần cũng đã giải thích: thi tuyển là trong đó đã bao gồm cả phần xét kết quả học tập cấp THCS, nhưng vì có một kỳ thi cho nên chỉ gọi là thi tuyển thôi. Phần xét này coi như điểm thưởng cho học sinh đạt kết quả khá, giỏi. Cũng tại cuộc họp này, vị đại diện Văn phòng Chính phủ đã nêu ý kiến: trong khi ở kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT cố gắng thuyết phục bỏ điểm thưởng cho học sinh tốt nghiệp loại giỏi, thế mà trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT lại đưa ra chuyện cộng điểm thưởng, như vậy có nhất quán trong chỉ đạo hay không ? Chắc là thấy ý kiến này xác đáng, nên trong văn bản lần này, Bộ GD-ĐT đưa khái niệm điểm cộng thêm. Tuy không có định nghĩa thế nào là điểm cộng thêm nhưng ai nấy đều hiểu “ vẫn là bình mới, rượu cũ” mà thôi !
Về nguyên nhân vì sao nghiêng về 3 phương án Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Vọng đã giải thích rất rõ ràng: nếu kết hợp thi tuyển và xét tuyển thì các địa phương có thể căn cứ vào tình hình thực tế của mình, độ tin cậy của kết quả đánh giá ở bậc THCS tại tỉnh, thành mà xác định phần xét tuyển là bao nhiêu, phần thi tuyển là bao nhiêu. Tỷ lệ này có thể thay đổi trong các năm, cho đến khi với những nơi, với các biện pháp quản lý và đảm bảo chất lượng có thể không cần thi mà chỉ cần xét mặc dù nhu cầu vẫn cao hơn khả năng đáp ứng của các trường THPT. Lạ là, một điều đã quá rõ như vậy, sao những người soạn thảo vẫn không chấp nhận để có những văn bản hướng dẫn rõ ràng, khoa học, chặt chẽ, tạo điều kiện cho các địa phương triển khai một cách dễ dàng, để người dân ai cũng hiểu và ủng hộ ngành. Đó là chưa kể đến các lỗi chính tả, lỗi lôgíc thể hiện sự cẩu thả, lỗi soạn thảo... của văn bản này.
Liệu lãnh đạo Bộ GD-ĐT có biết tất cả những điều nêu trên ?
HNM