Tìm về quan họ cổ

Xã hội - Ngày đăng : 09:53, 12/02/2006

Không đàn đệm, không loa phóng thanh, không tiếng ồn ào qua lại của những đám đông chen chúc như tại các hội Lim năm trước, chúng tôi mới thấy thấm hết lối hát quan họ cổ : hát chậm, hát liền vòng, rõ chất vang - rền, nền- nảy...

Hát quan họ cổ, nét đẹp văn hoá của người Việt Nam

               Bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người

Nhớ nơi quan họ nhớ người nết na

Nhớ lời năn nỉ thiết tha

Ngọt ngào đầu lưỡi, mặn mà bên tai…

Câu quan họ cổ giọng Vặt điệu Thiết tha được giọng ca trầm ấm của các liền anh làng Lũng Giang (huyện Tiên Du) cất lên để các liền chị từ làng Yên Mẫn (phường Kinh Bắc, thị xã Bắc Ninh) đối lại. Câu đối lại của các chị cũng thiết tha trữ tình không kém :

Nhớ thương em để dạ vàng

Năm canh gối chiếc lòng càng ngẩn ngơ

Ngọn đèn khi tỏ khi mờ

Buồn trông con nhện, nhện chờ mối ai

Ngày xuân, xuân hãy còn dài

Muốn cho mai trúc sum vầy trúc mai…

Không đàn đệm, không loa phóng thanh, không tiếng ồn ào qua lại của những đám đông chen chúc như tại các hội Lim năm trước, chúng tôi mới thấy thấm hết lối hát quan họ cổ : hát chậm, hát liền vòng, rõ chất vang - rền, nền- nảy. Giai điệu mượt mà và lời ca đầy chất thơ hòa quện với nhau mê hoặc cả người hát lẫn người nghe. Cuộc thi hát đối quan họ đầu xuân đã thu hút 35 đôi liền anh liền chị của 24 làng Quan họ cổ từ mấy ngày trước khi diễn ra hội Lim. Cuộc thi có hai phần : hát được 50 bài đối đáp quan họ cổ dành cho lứa tuổi 16-28, hát đối đáp được 150 bài quan họ cổ dành cho độ tuổi 29-55. Nhìn qua cách thức tổ chức cuộc thi và tiêu chí mà Ban giám khảo đề ra, tôi hiểu rằng người dân Bắc Ninh đang có những nhìn nhận lại giá trị đích thực của Văn hóa Quan họ.

Theo chân hai liền chị Nguyễn Thị Duyên và Vũ Hồng Mão, chúng tôi đến thăm làng Yên Mẫn. Đô thị hóa đã len lỏi khắp các ngóc ngách làng quê nơi đây. Chỉ còn ngôi chùa Yên Mẫn và chiếc cầu gạch xanh rêu là cổ kính. Nhà tầng mái bằng mọc san sát, đường bê tông phẳng lì đủ cho xe ô tô chạy. Chị Mão giới thiệu tôi đến nhà ông Nguyễn Ngọc Quyển, một nghệ nhân quan họ nổi tiếng của làng: “Mọi người gọi ông là ông Quyển UNESCO. Ông có nhiều sách vở về quan họ lắm. Ông đi khắp các làng Quất, Bồ Sơn, Viêm Xá, Khả Lễ, làng ó, làng Bè (huyện Yên Phong), các làng cổ của thị xã Bắc Ninh, những làng ven tỉnh Bắc Giang, những chiếu diễn, thuyền đào của ngày hội Lim để ghi chép những làn điệu cổ mà chỉ những nghệ nhân cao niên mới thuộc”. Vòng qua đường bờ ao, chúng tôi vào nhà ông Quyển. Một tấm bảng đỏ chữ vàng Câu lạc bộ UNESCO Quan họ được treo trên cửa ra vào. Ngoài sân một cây đào bích với những bông hoa to, đỏ thắm đang khoe sắc.Tóc bạc trắng, dáng người nho nhã, ông Quyển niềm nở tiếp chúng tôi. Ông Nguyễn Quang Thông, một người bạn quan họ của ông Quyển từ làng Đại Phúc cũng mới sang chơi. Dường như đoán trước câu hỏi của chúng tôi, vừa rót trà mời,ông Quyển vừa kể luôn : “ Những năm 1960 đoàn bác Lưu Hữu Phước, Nguyễn Viêm, Tú Ngọc, Nguyễn Văn Phú đã về làng Yên này sưu tầm những làn điệu quan họ cổ. Những năm 1970 thì nhạc sĩ Hồng Thao, chuyên gia về quan họ của Viện Âm nhạc VN cùng bác Nguyễn Đình Tấn, Đặng Văn Lung đến làng ăn ở hàng năm trời để không bỏ sót một đêm hội nào. Lúc đó tôi là một anh giáo làng, chợt hiểu ra rằng từ trước tới nay mình sống trong cái nôi của quan họ mà không biết giữ gìn. Còn những người ở tận đâu đâu lại tìm về đây để tìm hiểu điệu hátquê mình”. Ông Quyển mở tủ, lôi ra khoe chúng tôi gần 20 tập sổ đánh máy và viết tay đóng bìa cẩn thận với đầy đủ danh mục, thống kê từng làn điệu, giọng. Có những làn điệu đang được đánh giá là rất quý như La rằng (20 bài), Đường bạn Kim Loan, Cây gạo, Giã bạn (50 bài),..Bác Thông vồn vã khoe về người bạn quan họ của mình với giọng nể phục : “Suốt mấy chục năm lặn lội khắp nơi, ông bạn tôi đây nhẵn mặt tất cả các ngày hội làng. Bộ sưu tập của ông nay đã lên đến 1.094 bài quan họ cổ, trong đó có 200 giọng chính với 200 bài đối,450 bài dị bản (của 200 giọng trên). Vậy riêng các bài quan họ cổ nằm trong khu vực đối đã là 850 bài. Có 244 bài độc trong đó có khoảng hơn 100 bài không hay sẽ dần bị mất theo lẽ tự nhiên.”.

Tôi hỏi vì saothế hệ trẻ thường rất ngại học quan họ cổ và họ thực sự thấy khó, ông Quyển cho biết: “Hát quan họ hay, là phải đạt được nhiều mặt : thứ nhất là giọng hai người phải quyện vào nhau, tiếng hát phải trong, phải đều, nghe tiếng hát của hai người mà cứ như của một người; thứ hai là phải biết hát nảy hạt, nghe những tiếng ngân dài cứ như có nhiều hạt nhỏ li ti ở bên trong; thứ ba là phải biết hát luyến; thứ tư là phải biết hát rớt. Bọn trẻ bây giờ thấy các cụ hát với nhiều chỗ luyến ấy mấy, ôi a, rằng la, hôi hừ… là thấy sốt ruột lắm. Chúng nghe nhạc ngoại với nhạc trẻ nhiều thành quen. Chúng không đủ kiên nhẫn để học kỹ thuậthát được như chúng tôi”. Ông Quyển cũng cho biết mặc dù việc bảo tồn quan họ cổ khó khăn là vậy, nhưng Câu lạc bộ của ông vẫn luôn tìm cách mở lớp học lại kỹ thuật hát quan họ cổ và tổ chức giao lưu giữa các làng quan họ trong huyện. Theo ông, chỉ khi nào hát quan họ đúng theo cách của người xưa mới có thể cảm nhận hết cái hay, cái đẹp của những điệu hát. Trước khi chúng tôi ra về, ông cứ dặn đi dặn lại: “ Nhờ nhà báo nói với Viện Âm Nhạc giúp là chúng tôi rất thèm được nghe lại kho băng tư liệu mà đoàn bác Lưu Hữu Phước và bác Hồng Thao ghi băng năm xưa, để chúng tôi phục hồi lại cách hát những bài quan họ cổ theo đúng giọng và bài bản. Việc sưu tập nghiên cứu nên được mang ra phục vụ cho việc bảo tồn chứ”.

HNM

ANHTHU