Diện mạo công trình Nhà hát Opera Hà Nội ra sao?
Đời sống - Ngày đăng : 14:55, 16/07/2022
Theo UBND quận Tây Hồ, đồ án quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm bán đảo Quảng An có tổng diện tích nghiên cứu khoảng 45,3ha, thuộc địa giới hành chính phường Quảng An và một phần diện tích phường Tứ Liên.
Trong đó, diện tích đất công cộng đô thị: 46.603m2; đất cây xanh đô thị: 68.014m2; đất công viên văn hóa, nghệ thuật, vui chơi giải trí (điểm nhấn là Nhà hát Opera): 241.501m2; đất giao thông: 96.325m2 và còn lại là đất quốc phòng, nhà ở, trường học, bãi đỗ xe.
Về không gian ngầm, trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An được chia thành 3 khu vực: Không gian ngầm đường Đặng Thai Mai, không gian ngầm khu văn hóa đa năng Quảng An và không gian ngầm cụm công trình Nhà hát Opera.
Việc nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm bán đảo Quảng An tỷ lệ 1/500 phù hợp với các quy hoạch đã được duyệt trước đó; hình thành trục cây xanh, khu vui chơi giải trí, công viên văn hóa tâm linh, công viên văn hóa nghệ thuật chuyên đề.
Đồ án cũng sẽ thiết lập trục kết nối từ trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây - Hồ Tây - bán đảo Hồ Tây - sông Hồng - thành Cổ Loa; bảo tồn, tôn tạo và khai thác các giá trị đặc trưng về văn hóa, cảnh quan, mặt nước hồ Tây, hồ Đầm Trị... các di tích đình, đền, chùa hiên có.
Thi công Nhà hát Opera không ảnh hưởng đến mặt nước hồ Tây
Thông tin cụ thể về công trình Nhà hát Opera Hà Nội, đại diện UBND quận Tây Hồ cho biết, công trình sẽ được thực hiện theo hình thức xã hội hóa, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của thành phố từ thiết kế đến thi công và vận hành công trình.
Việc thi công nhà hát phải bảo đảm không ảnh hưởng đến mặt nước hồ. Đơn vị thi công phải nạo vét lòng hồ, làm sạch hồ để đảm bảo hiệu ứng cho thiết kế mái vòm của nhà hát. Thiết kế của nhà hát cũng được cân nhắc trên cơ sở gia tăng mỹ quan và không gian cảnh quan cho khu vực.
Công trình dự kiến được thiết kế với 1.822 chỗ ngồi khán phòng, gồm: Sảnh chính, khán phòng opera, văn phòng, phòng diễn tập và tập luyện, bảo tàng, sàn vọng cảnh…
Bên ngoài nhà hát, hệ thống không gian công cộng bao gồm nhà triển lãm, khu ẩm thực trải dọc theo trục giao thông chính và kết thúc ở quảng trường trung tâm sát mép hồ.
Bên cạnh đó, việc xây dựng nhà hát sẽ triển khai đồng thời với quy hoạch mạng lưới giao thông, đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho bán đảo Quảng An. Dự án không chỉ mang đến diện mạo mới với điểm nhấn về không gian kiến trúc - đô thị, đưa Hà Nội trở thành điểm hẹn văn hóa mang tầm quốc tế, mà còn tạo động lực phát triển kinh tế, tạo thêm việc làm cho người dân địa phương.
Kết nối các khu vực di sản tâm linh
Kiến trúc sư thiết kế công trình là Renzo Piano (sinh năm 1937, tại Genova, Italia), một trong số những kiến trúc sư nổi tiếng, nằm trong tốp 100 người có sức ảnh hưởng nhất thế giới. Ông từng đoạt nhiều giải thưởng danh giá như Pritzker Prize năm 1998 - được xem như giải Nobel của ngành kiến trúc toàn cầu.
Nhà hát Opera Hà Nội được thiết kế trên ý tưởng về một hòn đảo âm nhạc nổi. Ý tưởng về thiết kế quy hoạch cảnh quan xung quanh nhà hát cũng được Renzo Piano chủ trì.
Trong ý tưởng quy hoạch cảnh quan, các di tích lịch sử, di sản đều được bảo tồn, bao gồm chùa Hoằng Ân, chùa Phổ Linh và đền Kim Ngưu - Phủ Tây Hồ. Các khu vực di sản tâm linh được bao bọc bởi các vườn cây bảo đảm sự yên tĩnh, nhưng vẫn được kết nối với nhau qua trục đi bộ chính.
Người dân sẽ đi bộ trên trục cảnh quan chính, qua các khu vực chức năng khác nhau, bao gồm các di tích tâm linh, khu vực bảo tàng, triển lãm, vườn cây cảnh quan và các chức năng phụ trợ phục vụ người dân… và kết thúc là khu quảng trường lớn dành cho các hoạt động cộng đồng. Đây cũng là điểm nhìn ra hồ Đầm Trị và nhà hát. Tất cả sẽ tạo ra một quần thể cảnh quan thống nhất phục vụ các nhu cầu của người dân và du khách.