Làng nón thúng - Làng quai thao

Xã hội - Ngày đăng : 08:30, 07/02/2006

Ngay từ thuở ấu thơ, tôi đã được nghe lời ru của mẹ: “Muốn ăn cơm trắng cá trê Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông”...; “Ai làm ra chiếc quai thao ấy làng Triều Khúc, mời vào cùng xem”

Hoàn thiện nón thúng quai thao - sản phẩm của làng Chuông Ảnh: Công Hoan

Ngay từ thuở ấu thơ, tôi đã được nghe lời ru của mẹ:

“Muốn ăn cơm trắng cá trê

Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông”...;

“Ai làm ra chiếc quai thao ấy làng Triều Khúc, mời vào cùng xem”

Vâng! Chính làng Chuông, quê nội tôi thuộc huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây là nơi chuyên làm nón thúng (nón Ba Tầm). Còn làng Triều Khúc, quê ngoại tôi thuộc thị xã Hà Đông lại chuyên sản xuất ra chiếc quai thao cho chiếc nón thúng đểdân gian bao đời nay vẫn thường gọi“nón thúng, quai thao”.

Lúc còn nhỏ, tôi chưa hiểu nón quai thao là gì ? Nhưng, thỉnh thoảng dì tôi lại khoác lên vai một chiếc nón rộng vành, không chóp, ngửa lên như cái thúng, úp xuống giống quả cối xay to. Tôi rất thích chiếc quai thao, mỗi đầu quai có hai quả cù to bằng quả táo thiện phiến, đan móc tỷ mỷ bằng những sợi tơ tằm vàng óng. Dì tôi bảo, nón thúng quai thao chỉ đội khi đi trảy hội, đình đám, chợ Tết hay đưa bạn gái về nhà chồng trong lễ vu quy. Nhìn dáng dì tôi vừa đẹp, vừa cân đối nên khi đội nón thúng quai thao, mặc áo tứ thân, váy lĩnh, đeo xà tích trông lại càng đẹp. Dì vốn là người cẩn thận, nhất là khi đi hội về lại treo chiếc nón ngay ngắn ở giữa cột nhà rồi lấy tấm vải phủ kín cho đỡ bụi.

Xưa, làng Chuông chuyên sản xuất những loại nón cho nhiều đối tượng như: nón thúng dành cho thiếu nữ; nón chóp, nón dầu, nón nhô, nón lông dành cho thanh niên và những người sang trọng. Tuy nhiên, để phù hợp với thời trang hiện nay, làng Chuông chỉ còn làm nón xuân kiều (nón Ba Đồn) dành cho các cô gái. Hiện, cả làng Chuông chỉ còn nghệ nhân Trần Văn Canh giữ nghề làm nón thúng. Ông Canh tâm sự: làm nghề để lưu giữ một sản phẩm cổ truyền trong đời sống hiện đại và để truyền lại cho lớp con cháu nghềtruyền thống của ông cha. Hiện nay, ông làm nón chủ yếu theo đơn đặt hàng của các đoàn nghệ thuật và Bộ Văn hóa-Thông tin.

Cụ Nguyễn Thị Dằng, nghệ nhân làng Triều Khúc kể, vào thế kỷ 18, Triều Khúc đã có nhiều nghề thủ công nổi tiếng như may áo the, dệt nái, may váy yếm, bao thắt lưng, nhuộm tơ lụa, độn tóc đuôi gà. Tuy nhiên, nghề làm quai thao cho nón thúng là đặc biệt nổi tiếng và tồn tại lâu đời nhất (hơn 300 năm). Quai thao do những bàn tay tài hoa, khéo léo của những người dân trong làng mua tơ tằm từ vùng canh cửi có tiếng của Hà Đông và vùng Bưởi về đan, tết. Quai thao có hai loại: màu tơ vàng nguyên khai dùng để làm nón cho thiếu nữ chưa chồng và màu đen làm nón cho các bà, các chị. Đặc biệt, vào những năm 20 của thế kỷ trước, các cụ làng Triều Khúc đã mang những mặt hàng thủ công mỹ nghệ của quê hương vào Huế tham dự hội chợ, được vua triều Nguyễn ban thưởng, phong tặng “Hàn Lâm công nghệ”.

Ngày nay, mỗi khi đi dự các lễ hội truyền thống, hay xem biểu diễn văn nghệ, tích chèo, màn quan họ, nhìn các cô gái đội nón thúng, đính quai thao với bộ áo quần “mớ ba, mớ bẩy”, lòng tôi lại trào dâng nỗi xúc động, tự hào về nghề truyền thống quê nhà đã góp phần tạo nên những tác phẩm nghệ thuật mang nét đặc trưng văn hóa dân tộc.

“Ai làm chiếc nón quai thao

Để cho anh thấy cô nào cũng xinh”.

HNM

ANHTHU