Thủ tướng Đức công du Canada: Nâng tầm quan hệ hợp tác hai nước

Thế giới - Ngày đăng : 06:56, 24/08/2022

(HNM) - Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã dẫn đầu phái đoàn kinh tế gồm Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck và hàng chục doanh nghiệp của nước này tới Canada nhằm thúc đẩy hợp tác song phương. Đây là động thái được giới quan sát cho rằng sẽ giúp nâng tầm mối quan hệ giữa hai nền kinh tế thuộc nhóm hàng đầu thế giới.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (trái) và Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại Trung tâm Khoa học Montreal (Quebec, Canada) ngày 22-8.

Đây là chuyến công du nước ngoài dài nhất kể từ khi nhậm chức của Thủ tướng Olaf Scholz. Chia sẻ với báo giới tại Montreal, người đứng đầu Chính phủ Đức khẳng định, Berlin muốn cùng Ottawa hình thành một “mạng lưới tin cậy” cho hợp tác công nghiệp nhằm tận dụng những lợi thế mang lại cho hai bên, đồng thời khẳng định sẽ tìm cách thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương bằng những biện pháp cụ thể.

Trong khuôn khổ hội đàm ngày 22-8 tại Montreal, ngoài vấn đề hợp tác song phương, Thủ tướng O.Scholz đã cùng người đồng cấp nước chủ nhà Justin Trudeau thảo luận một số vấn đề quốc tế. Ngày 23-8, tại thủ phủ kinh tế Toronto, hai nhà lãnh đạo đã tham dự Diễn đàn kinh tế Đức - Canada với chương trình nghị sự tập trung vào an ninh năng lượng, công nghệ tương lai và tự động hóa.

Mặc dù các lĩnh vực đề cập trong chuyến công du rất rộng, nhưng dễ thấy trọng tâm của nhà lãnh đạo Đức khi tìm đến đối tác quan trọng và tin cậy bậc nhất trong Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) là giải quyết sớm những rắc rối về năng lượng, thông qua giảm phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh. Thực tế, tại Newfoundland - vùng phát triển mạnh về công nghệ nhiên liệu hydro của Canada, đại diện hai bên đã ký thỏa thuận hợp tác nghiên cứu về khả năng sản xuất nhiên liệu hydro để xuất khẩu sang Đức.

Giới quan sát cho rằng, thúc đẩy hợp tác năng lượng lúc này là lựa chọn “đôi bên cùng có lợi”. Canada hiện là nhà sản xuất lớn về khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), trong khi Đức đang gặp nhiều rắc rối trong việc duy trì các đường ống Dòng chảy phương Bắc. Lượng khí đốt mà Nga cung cấp cho Đức thông qua đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) hiện chỉ bằng khoảng 20% so với trước xung đột tại Ukraine. Berlin nhận định, con số này sẽ tiếp tục sụt giảm khi Tập đoàn Gazprom của Nga thông báo sẽ ngưng cung cấp khí đốt từ ngày 30-8 để bảo trì đường ống. Vì thế, dù trước mặt việc vận chuyển nhiên liệu từ Canada tới Đức còn khó khăn do chưa có hệ thống hạ tầng đủ mạnh, nhưng tiềm năng là rất lớn.

Hợp tác năng lượng còn có ích lợi lâu dài, bởi Canada đang theo đuổi lộ trình đạt được kinh tế trung hòa khí thải carbon, và trở thành một nhà cung cấp năng lượng lớn của thế giới nhờ mũi nhọn sản xuất nhiên liệu hydro “sạch” thông qua hạ tầng điện gió. Nếu thuận lợi, đất nước này có thể xuất khẩu khoảng 25 triệu tấn hydro mỗi năm, tiến tới trở thành một trong ba nhà xuất khẩu hydro hàng đầu thế giới vào năm 2030. Với mục tiêu này, việc có thể thí điểm cung cấp hydro cho nền kinh tế số một châu Âu thực sự là cơ hội ngàn vàng. Về phần mình, Đức đang đặt niềm tin vào nhiên liệu hydro, coi đây là giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng dài hạn hữu hiệu và khả thi...

Cùng với năng lượng, Đức và Canada còn có nhiều dư địa hợp tác, điển hình là trong lĩnh vực nguyên liệu thô như coban, niken, than, lithium... phục vụ sản xuất pin và thiết bị điện tử, rất quan trọng đối với nền công nghiệp lớn như Đức. Trong khi đó, Canada sẽ cấm bán ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch từ năm 2035, cũng như tìm cách thu hút đầu tư từ các nhà sản xuất pin và ô tô điện (EV) vốn là sở trường của Đức.

Rõ ràng, chuyến thăm của nhà lãnh đạo Đức tới Canada đã đưa hai nước xích lại gần nhau hơn. Điều đáng mừng là những cơ hội hợp tác mới hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng mỗi bên, nhờ thế có thể vun đắp hiệu quả mối quan hệ đồng minh truyền thống.

Hoàng Linh