Tháo gỡ vướng mắc cho Dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất
Đời sống - Ngày đăng : 09:57, 25/07/2022
Điểm lại những vướng mắc
Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Tân Sơn Nhất được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2020, nhằm giải quyết tình trạng quá tải đang diễn ra tại sân bay lớn nhất Việt Nam này, nhất là sự quá tải ở nhà ga T1 (ga nội địa) của sân bay.
Nhà ga T3 có công suất 20 triệu hành khách/năm và các công trình phụ trợ đồng bộ có tổng vốn đầu tư 10.990 tỷ đồng bằng nguồn vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), không sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Thời gian hoàn thành dự án sau 37 tháng kể từ ngày khởi công.
Dự án nhà ga T3 dự kiến xây trên diện tích 16,05ha. Đường nối nhà ga T3 với bên ngoài có diện tích 11,89ha đều là đất quốc phòng, do Bộ Quốc phòng quản lý. Tính đến ngày 25-7-2022, Bộ Quốc phòng vẫn chưa thể bàn giao diện tích đất này cho ACV (làm nhà ga) và UBND thành phố Hồ Chí Minh (để làm đường) vì theo Bộ, có 3 vướng mắc chính.
Thứ nhất, các diện tích đất trên cần được đưa ra khỏi quy hoạch sử dụng đất quốc phòng giai đoạn 2021-2030 để Bộ Quốc phòng có đủ căn cứ giao đất cho các bên, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.
Thứ hai, với công trình quốc phòng hiện có trên diện tích đất 16,05ha xây nhà ga T3, để di dời và xây mới tại địa điểm mới (sân bay Biên Hòa), Bộ Quốc phòng ước tính kinh phí khoảng 1.152 tỷ đồng. Hơn nữa, sau giao đất, Quân chủng Phòng không – Không quân sẽ phải xây mới các công trình chiến đấu của các đơn vị tại Tân Sơn Nhất gồm: Nhà ga quân sự, khu trực chiến, nhà bảo dưỡng máy bay quân sự…, với số tiền tạm tính khoảng 712 tỷ đồng. Số kinh phí này cần xác định bên chi trả.
Thứ ba, với kinh phí đền bù, giải tỏa 11,89ha xây đường nối đường vào nhà ga T3, Bộ Quốc phòng sẽ bàn giao ngay diện tích đất này khi UBND thành phố Hồ Chí Minh thực hiện bồi thường, hỗ trợ kinh phí và các đơn vị quân đội hoàn thành dồn dịch, sửa chữa, xây dựng doanh trại, công trình bị ảnh hưởng khi thu hồi đất, bảo đảm không ảnh hưởng đến nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.
Chính phủ chỉ đạo gỡ vướng mắc
Ngày 24-7, Văn phòng Chính phủ ra thông báo Kết luận của Thường trực Chính phủ về dự thảo Nghị quyết về tháo gỡ vướng mắc trong việc bàn giao đất quốc phòng để thực hiện dự án Nhà ga hành khách T3 và dự án xây dựng đường giao thông kết nối với Nhà ga hành khách T3, sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo đó, Thường trực Chính phủ đồng ý chủ trương, giao Bộ Quốc phòng cập nhật, không đưa 27,94ha đất quốc phòng vào Quy hoạch sử dụng đất quốc phòng thời kỳ 2021-2030 để thực hiện Dự án nhà ga hành khách T3 và Dự án xây dựng đường giao thông kết nối với nhà ga hành khách T3.
Thường trực Chính phủ giao UBND thành phố Hồ Chí Minh cập nhật đưa diện tích nêu trên vào đất giao thông trong Quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025). Bộ Quốc phòng bàn giao các khu đất nêu trên cho UBND thành phố Hồ Chí Minh ngay sau khi Chính phủ có nghị quyết này.
Thường trực Chính phủ giao UBND thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm bố trí kinh phí bồi thường, hỗ trợ để thực hiện dự án đường giao thông kết nối với nhà ga hành khách T3; giao ACV chịu trách nhiệm bố trí kinh phí bồi thường, hỗ trợ để thực hiện Dự án nhà ga hành khách T3. Việc bồi thường tài sản trên đất theo quy định của pháp luật về đất đai (chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tính vào tổng mức đầu tư của các dự án).
Về 12 ụ bê tông xi măng (khoang để máy bay chiến đấu) trong phạm vi dải lăn của đường lăn W11A thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Thường trực Chính phủ giao Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải, ACV và các cơ quan liên quan chủ động thống nhất phương án giải quyết theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật, đảm bảo tiến độ phá dỡ, bàn giao mặt bằng.
Thường trực Chính phủ giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo xử lý mọi công việc có liên quan đến các dự án này ngay trong phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, dự kiến tổ chức vào ngày 26-7.
Về dự thảo Nghị quyết chuyên đề về các dự án nêu trên, Thường trực Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chủ trì và các bộ, ngành liên quan và UBND thành phố Hồ Chí Minh phối hợp chặt chẽ hoàn thiện dự thảo nghị quyết, trình Chính phủ; đảm bảo nội dung, hồ sơ, trình tự, thủ tục tuân thủ đúng thẩm quyền, đúng quy định.