Nhật Bản viện trợ cho các nước châu Phi: Mở rộng tầm ảnh hưởng

Thế giới - Ngày đăng : 07:02, 31/08/2022

(HNM) - Nhật Bản sẽ viện trợ 30 tỷ USD cho châu Phi, trong đó tập trung đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực và thúc đẩy tăng trưởng có chất lượng. Đây là cam kết được Thủ tướng Kishida Fumio đưa ra tại Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi (TICAD) lần thứ 8 vừa kết thúc tại Tunisia, cho thấy quyết tâm mở rộng tầm ảnh hưởng của Nhật Bản tại khu vực này.

Các đại biểu tham dự Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi lần thứ 8 tại Tunisia.

Diễn ra trong hai ngày 27 và 28-8 tại Tunisia, TICAD lần thứ 8 quy tụ gần 50 nhà lãnh đạo ở khắp châu lục, cùng với hơn 200 đại diện tổ chức dân sự và tổ chức phi chính phủ châu Phi… Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận những vấn đề liên quan đến phục hồi nền kinh tế hậu Covid-19. Nhật Bản và Ngân hàng Phát triển châu Phi sẽ hợp lực để hỗ trợ các quốc gia giải quyết những thách thức to lớn, bao gồm an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, y tế, số hóa và các vấn đề nợ.

Trong bài phát biểu trực tuyến, Thủ tướng Kishida Fumio cam kết đầu tư 30 tỷ USD trong 3 năm tới cho châu Phi. Cụ thể, Nhật Bản sẽ tăng các khoản cho vay, trị giá khoảng 5 tỷ USD, với sự phối hợp của Ngân hàng Phát triển châu Phi nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của châu lục thông qua việc khôi phục tài chính; đầu tư khoảng 4 tỷ USD nhằm đạt được tăng trưởng xanh và giúp châu Phi tăng cường năng lực sản xuất lương thực...

TICAD do Nhật Bản khởi xướng từ năm 1993, nhằm thúc đẩy sự phát triển, hòa bình và an ninh của châu Phi, thông qua việc tăng cường các mối quan hệ trong hợp tác đa phương. Trong quá trình gần 30 năm, TICAD đã phát triển thành một diễn đàn lớn toàn cầu và đa phương để huy động và duy trì hỗ trợ quốc tế cho sự phát triển của Lục địa đen. Về động lực khiến Tokyo quan tâm đến tương lai của châu Phi, Bolade M.Eyinla, Giáo sư tại Đại học Ilorin ở Nigeria nhận xét rằng, chính sách của Nhật Bản đối với TICAD dựa trên lợi ích quốc gia của nước này. Còn Giáo sư Takahashi Motoki của Đại học Kyoto cho rằng, quá trình thúc đẩy TICAD có thể được coi là một phần trong chính sách ngoại giao cân bằng của Nhật Bản trước sự hiện diện mạnh mẽ của Trung Quốc. Khối lượng xuất nhập khẩu của Trung Quốc sang châu Phi đã tăng đáng kinh ngạc, đến mức 1.000% từ năm 2003 đến năm 2013, trong khi con số này của Nhật Bản “đơn thuần” tăng gấp ba lần trong cùng thời kỳ. Nhật Bản bắt đầu hiểu rằng cần phải có một cách tiếp cận mới đối với châu Phi. Vào năm 2013, Giáo sư Mitsugi Endo của Đại học Tokyo lưu ý: “Chúng ta phải xem châu Phi không chỉ là một lục địa để mở rộng hỗ trợ mà còn là một đối tác kinh doanh và một khu vực để đầu tư”.

Các tổ chức khu vực công và tư nhân ở Nhật Bản đều đồng tình với quan điểm trên và sự thay đổi đã bắt đầu. Theo đó, một thập kỷ qua, Nhật Bản đã chuyển trọng tâm cam kết với châu Phi từ viện trợ sang tăng cường đầu tư, với sự tham gia của khu vực tư nhân, vì châu lục này được coi là có tiềm năng phát triển với dân số ngày càng tăng. Nhật Bản đã giúp thúc đẩy năng suất lao động của châu Phi bằng cách đào tạo nghề cho 157.000 lao động. Về nông nghiệp, Nhật Bản đã sử dụng cơ chế hợp tác xuyên biên giới để hỗ trợ sản xuất lúa gạo của châu Phi và nâng cao chất lượng thực phẩm.

Không chỉ là Hội nghị Thượng đỉnh ba năm tổ chức một lần, TICAD đại diện cho một quá trình gắn kết liên tục. Trong suốt gần 30 năm tồn tại, Nhật Bản đã đào tạo hàng nghìn kỹ sư, doanh nhân và nhà giáo dục cho châu Phi. Nhiều người châu Phi gọi TICAD là một cơ chế kiểu mẫu cho hợp tác quốc tế và hợp tác an ninh. TICAD lần thứ 8 một lần nữa diễn ra trên đất châu Phi như một “mũi tên” mạnh mẽ để thúc đẩy Nhật Bản vươn lên tầm cao hơn về tăng trưởng kinh tế, cũng như cho châu Phi và cho thế giới.

Thùy Dương