Mâu thuẫn Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ: Cần một giải pháp hòa bình
Thế giới - Ngày đăng : 06:47, 08/09/2022
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 5-9 lên tiếng kêu gọi Hy Lạp ngừng quân sự hóa các đảo ở biển Aegean vốn có quy chế phi quân sự, cảnh báo Athens sẽ phải “trả giá đắt nếu đi quá xa”. Đáng chú ý, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã đề cập tới khả năng giải quyết mâu thuẫn bằng biện pháp quân sự, vốn đã có tiền lệ trong quan hệ giữa hai nước...
Phát ngôn cứng rắn trên cho thấy, căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp đã trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Lâu nay, quan hệ giữa hai nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn phủ bóng u ám bởi mâu thuẫn về các quần đảo phía Đông biển Aegean. Sau chiến tranh Balkan (1912-1913), thỏa thuận sáu bên gồm: Áo - Hung, Anh, Pháp, Nga, Italia và Đức đã quyết định các quần đảo này thuộc chủ quyền Hy Lạp. Ankara thường xuyên nhắc nhở, các hiệp ước trao quần đảo cho Hy Lạp có kèm điều kiện Athens không quân sự hóa khu vực vì chúng gần đất liền Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhiều lần cảnh báo sẽ “xem xét lại chủ quyền của Hy Lạp đối với các đảo” nếu nước này tiếp tục đưa vũ khí đến đây. Về phần mình, Hy Lạp bác bỏ thông tin vũ trang hóa các quần đảo, đồng thời chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ về việc đòi xét lại chủ quyền của Hy Lạp.
Căng thẳng không dừng lại ở đó khi hai nước đã đẩy mạnh mua sắm vũ khí và tích cực tham gia các cuộc tập trận. Sự căng thẳng được đẩy lên khi vào cuối tháng trước, Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Hy Lạp dùng hệ thống phòng không S-300 để “quấy rối các máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ đang làm nhiệm vụ”, trong đó có các máy bay đang thực hiện nhiệm vụ của NATO. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Hy Lạp cáo buộc, Thổ Nhĩ Kỳ đã liên tục gia tăng các hành vi vi phạm không phận của Hy Lạp, đặc biệt là khi sử dụng các máy bay không người lái như Bayraktar.
Trước nguy cơ mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp có thể dẫn tới những bất ổn mới cho khu vực và thế giới, Liên minh châu Âu (EU) ngay lập tức thể hiện quan ngại, nhấn mạnh các khúc mắc cần giải quyết bằng biện pháp hòa bình và tôn trọng luật pháp quốc tế, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước thành viên khối. Phát ngôn viên phụ trách chính sách đối ngoại của EU Peter Stano nêu rõ, tuyên bố của lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ làm dấy lên lo ngại nghiêm trọng và mâu thuẫn với những nỗ lực giảm leo thang rất cần thiết ở Đông Địa Trung Hải được đưa ra trong các kết luận của Hội đồng châu Âu hồi tháng 3, tháng 6-2021 và tháng 6-2022.
Về phần mình, giới quan sát tin rằng mâu thuẫn giữa hai quốc gia có thể giải quyết bằng biện pháp hòa bình. Vấn đề là hai bên cần tăng cường đối thoại thay vì đối thoại ở mức độ hạn chế như hiện nay. Gần nhất, vào tháng 3-2022, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã có cuộc hội đàm hiếm hoi. Trong khi đó, một quan chức của NATO nhận định, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã giữ cam kết đồng minh suốt nhiều thập niên và có cơ chế giải quyết xung đột quân sự để hòa giải. Vì vậy, cả hai cần tận dụng tối đa điều này.
Có thể thấy, thay vì cùng tăng cường hoạt động quân sự làm gia tăng nguy cơ bất ổn, cần những cuộc đối thoại liên tục giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp để xoa dịu căng thẳng vì lợi ích mỗi nước và sự ổn định tại Đông Địa Trung Hải - khu vực có vai trò trọng yếu trên bản đồ địa chính trị toàn cầu.