OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu: Bình ổn thị trường ''vàng đen''

Thế giới - Ngày đăng : 07:12, 10/09/2022

(HNM) - Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) đã quyết định cắt giảm sản lượng dầu 100.000 thùng/ngày vào tháng 10 tới, nhằm ngăn chặn đà sụt giảm gần đây của giá “vàng đen”, hướng đến sự bình ổn thị trường, trong bối cảnh nỗi lo suy thoái phủ bóng lên nền kinh tế thế giới. Đây cũng là lần cắt giảm sản lượng đầu tiên của liên minh trong hơn một năm qua.

Mỏ dầu Nahr Bin Umar, phía bắc Basra (Iraq).

Đợt cắt giảm sản lượng này diễn ra sau khi OPEC+ quyết định tăng sản lượng cũng 100.000 thùng/ ngày vào tháng 9. Động thái của liên minh được đưa ra trong bối cảnh giá dầu giảm trong những tuần gần đây do lo ngại suy thoái kinh tế và nhu cầu giảm. Cả dầu thô WTI và dầu Brent đều giảm từ mức đỉnh hơn 120 USD/thùng vào tháng 6 xuống còn khoảng 90 USD/thùng. Giá dầu đã giảm khoảng 25% kể từ đầu tháng 6 sau khi chạm mức cao nhất nhiều năm trong tháng 3.

Sự suy giảm được thúc đẩy bởi những lo ngại ngày càng tăng từ việc tăng lãi suất và các đợt phong tỏa vì Covid-19 ở một số thành phố của Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc - nhà nhập khẩu dầu lớn nhất - đã có dấu hiệu suy thoái kinh tế "đáng báo động", với mức tiêu thụ đã giảm 9,7% trong tháng 7 - mức thấp nhất trong hai năm do các biện pháp ngăn ngừa sự lây lan dịch Covid-19. Còn Mỹ đã tiến gần đến suy thoái và theo đuổi chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn.

Tháng trước, người đứng đầu của OPEC+ là Saudi Arabia đã cảnh báo OPEC+ có thể cắt giảm sản lượng để cân bằng thị trường, do thanh khoản yếu và sự mất kết nối với các nguyên tắc cơ bản của thị trường. Theo báo cáo hằng tháng mới nhất của OPEC+, một số thành viên của tổ chức này đã phải vật lộn để đáp ứng hạn ngạch sản lượng hằng tháng, ví như trong tháng 7, nguồn cung dầu từ Nigeria và Angola đã giảm đáng kể so với mục tiêu sản xuất của họ.

Trong khi đó, các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của phương Tây với Iran, có khả năng cung cấp động lực thúc đẩy nguồn cung từ việc dầu thô Iran quay trở lại thị trường, đã gặp phải một khó khăn mới. Tuần trước, Nhà Trắng đã bác bỏ lời kêu gọi của Iran về một thỏa thuận có liên quan đến việc dừng các cuộc điều tra của cơ quan giám sát hạt nhân Liên hợp quốc. Theo Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Javad Owji, thị trường năng lượng toàn cầu cần sự gia tăng nguồn cung dầu từ Iran. Thỏa thuận hạt nhân, nếu đạt được, có thể đưa hơn 1 triệu thùng/ngày vào thị trường thế giới, nhưng vẫn còn một số việc phải làm trước khi điều đó có thể xảy ra. Các nhà phân tích cho biết, việc sử dụng dầu trong sản xuất điện cũng được kỳ vọng sẽ tăng lên khi tập đoàn dầu khí Nga Gazprom thông báo ngừng bơm khí đốt qua đường ống Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc 1) do sự cố rò rỉ dầu.

Mức cắt giảm sản lượng của OPEC+, chỉ chiếm 0,1% nhu cầu toàn cầu. Các chuyên gia cho rằng, việc cắt tỉa quá nhỏ sẽ có rất ít tác động thực tế đến nguồn cung. Nhưng điều này cho thấy OPEC+ quyết tâm bảo vệ mức giá khoảng 100USD/thùng. Ngay sau khi có thông tin về kế hoạch giảm sản lượng của liên minh, giá dầu đã tăng hơn 2 USD/thùng vào ngày 5-9. Giá dầu Brent giao tháng 11 tăng 2,72 USD ở mức 95,74USD/thùng, tương đương tăng 2,92%. Giá dầu WTI tăng 2 USD lên 88,85 USD/thùng, tương đương tăng 2,3% sau khi tăng 0,3% trong phiên trước đó. Rõ ràng, điều quan trọng hơn đối với OPEC+ lúc này là duy trì nguồn thu. Việc cắt giảm sản lượng về mặt tín hiệu chỉ ra rằng OPEC+ đang theo dõi nhu cầu rất chặt chẽ và đang cố gắng quản lý nguồn cung để giữ giá dầu ở mức sàn.

Việc cắt giảm sản lượng vào tháng 10 sẽ là lần cắt giảm đầu tiên kể từ năm 2021 của OPEC+ sau khi lệnh cắt giảm sản lượng khổng lồ diễn ra từ đầu đại dịch Covid-19 vào tháng 4-2020. OPEC+ thông báo sẽ họp bất cứ lúc nào để điều chỉnh nguồn cung trước cuộc họp dự kiến tiếp theo vào ngày 5-10 tới.

Thùy Dương