Canada: Chật vật ứng phó "đại khủng hoảng nghỉ hưu"
Thế giới - Ngày đăng : 07:07, 14/09/2022
Theo Cục Thống kê Canada, nước này ghi nhận 307.000 người nghỉ hưu trong tháng 8-2022, tăng 31,8% so với một năm trước đó và cao hơn 12,5% so với cùng kỳ 2019, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Các số liệu cũng cho thấy, dù lực lượng lao động của Canada tăng trong tháng 8, nhưng là mức tăng khiêm tốn so với lượng lớn người nghỉ hưu cùng lúc.
Đáng chú ý, không chỉ những người trên 65 tuổi mà những người trong độ tuổi 55 đến 64 tuổi nghỉ hưu cũng đạt con số kỷ lục trong 12 tháng qua. Tỷ lệ thất nghiệp tại Canada trong tháng 8 tăng đã góp phần khiến tỷ lệ thất nghiệp từ mức thấp kỷ lục là 4,9% trong tháng 6 và tháng 7-2022 tăng lên 5,4% trong tháng 8-2022. Số người thất nghiệp dài hạn, những người không có việc làm liên tục trong 27 tuần hoặc hơn, tăng 22.000 người (13,7%) trong tháng vừa qua, sau khi giảm một mức tương tự trong tháng 7. Tỷ lệ thất nghiệp đã điều chỉnh - gồm những người muốn làm việc nhưng không tìm được việc làm - trong tháng 8-2022 tăng 0,5%, lên 7,3%, chủ yếu do sự gia tăng số người thất nghiệp hơn là sự gia tăng số người ngoài độ tuổi lao động nhưng muốn làm việc.
Lý giải tình trạng nghỉ hưu ồ ạt, các nhà phân tích cho rằng, trong thời kỳ đại dịch Covid-19, số người nghỉ hưu giảm do nhiều người quyết định gắn bó với công việc lâu hơn. Tuy nhiên, khi các biện pháp phòng dịch được gỡ bỏ, nhiều người chọn cách nghỉ hưu sớm để bù đắp cho quãng thời gian đã mất, và tìm cách thay đổi lối sống, đi du lịch hay đơn giản là dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Dù những lý do này là chính đáng, nhưng trào lưu được các nhà kinh tế học mô tả là “Đại khủng hoảng nghỉ hưu” của Canada - đất nước lá phong, đã khiến các doanh nghiệp rơi vào tình cảnh thiếu lao động, đẩy mức lương lên cao và tạo nguy cơ kéo giảm năng suất lao động của đất nước. Cùng với đó, việc nguồn lực rời bỏ thị trường lao động được dự báo sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế vào thời điểm Ngân hàng Trung ương Canada đang mạnh tay tăng lãi suất để chống lạm phát tăng vọt, làm dấy lên lo ngại nền kinh tế nước này có thể rơi vào suy thoái.
Đáng ngại hơn là làn sóng rời khỏi thị trường lao động ồ ạt của những công nhân có tay nghề. Đơn cử, Canada từ tháng 5 tới nay đã hụt 34.400 lao động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Trong những năm tới, xu hướng này được dự báo tiếp tục theo chiều hướng tăng, đồng nghĩa các doanh nghiệp và một số lĩnh vực của Canada sẽ đối mặt tình trạng “vừa mất nhân lực, vừa mất năng lực”. Đáng chú ý, khi lao động tay nghề cao rời khỏi thị trường thì Canada lại không đủ lao động trẻ để tiếp quản.
Để ứng phó, Canada buộc phải tăng cường tiếp nhận người nhập cư để bảo đảm sức tăng trưởng kinh tế. Riêng trong tháng 7-2022, nước này đã cấp thường trú nhân cho 275.000 người; đồng thời xử lý khoảng 3,73 triệu đơn xin cư trú tạm thời, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ xử lý 2,97 triệu đơn. Theo Bộ trưởng Bộ Di trú Canada Sean Fraser, nước này dự kiến cấp thường trú nhân cho 431.000 người trong năm nay, hướng tới mốc 451.000 thường trú nhân vào năm 2024. Trong nỗ lực tự thân giải quyết khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp Canada cân nhắc tăng lương để thu hút lao động, nhưng cách làm này gặp nhiều trở ngại trong bối cảnh hàng loạt công ty vẫn phải loay hoay bù đắp thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Rõ ràng nền kinh tế Canada đang đối mặt một trong thách thức lớn nhất trong thời kỳ hậu đại dịch Covid-19, đòi hỏi sớm có giải pháp mang tính dài hạn và toàn diện hơn, thay vì các phương án ứng phó mang tính thời vụ lâu nay.