Môn võ Sambo hướng về Olympic

Thể thao - Ngày đăng : 08:47, 08/01/2006

Sambo, tên người Nga đặt cho môn võ tự vệ tay không, ra đời vào thập kỷ 20 của thế kỷ trước và là môn học bắt buộc của Hồng quân Liên Xô. Sambo cũng tương tự như môn võ Judo, sử dụng cùng một kỹ năng và cách tính điểm nhưng các võ sĩ Sambo mặc quần soóc bó sát thay vì mặc quần rộng kiểu Kimono như võ sĩ Judo.

Tổng thống Nga Putin từng là VĐV Sambo

Sambo, tên người Nga đặt cho môn võ tự vệ tay không, ra đời vào thập kỷ 20 của thế kỷ trước và là môn học bắt buộc của Hồng quân Liên Xô. Sambo cũng tương tự như môn võ Judo, sử dụng cùng một kỹ năng và cách tính điểm nhưng các võ sĩ Sambo mặc quần soóc bó sát thay vì mặc quần rộng kiểu Kimono như võ sĩ Judo.

Trong khi Sambo có lượng người theo học khổng lồ ở Nga và đã có giải vô địch thế giới nhưng nó vẫn là một môn thể thao đối kháng còn xa lạ ở hầu hết các nước phương Tây. Sự phổ biến của môn võ này chỉ giới hạn ở các nước thuộc Liên Xô cũ và một số cường quốc về võ vật khác như Bungari và Mông Cổ. Vào cuối năm 2005, Liên đoàn võ Sambo của Nga bắt đầu soạn thảo luật chơi của môn võ này cho thật chặt chẽ hơn trong nỗ lực quảng bá môn võ này ở các kỳ Olympic tới.

Ông David Rudman, nhà vô địch Sambo thế giới đầu tiên và là nhà truyền giáo tự phong của môn thể thao này kể từ khi được bổ nhiệm là Chủ tịch FIAS (Cơ quan giám sát Sambo thế giới), cho rằng “Sambo là tổng thể của nhiều môn võ và được hình thành để nâng kỹ năng chiến đấu cho quân đội Xô Viết trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại”. Bản thân Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng từng học Sambo và thi đấu môn võ này ở cấp quốc gia. Ông Putin chơi môn này rất giỏi trước khi chuyển sang chơi Judo vào những năm 70 của thế kỷ trước. Tổng thống Putin đã được phong là Chủ tịch danh dự của FIAS. Các vận động viên Xô Viết từng thống trị môn võ này, đoạt 9/10 huy chương vàng ở giải vô địch Sambo thế giới đầu tiên vào năm 1973. Kể từ khi Liên Xô không còn, người Nga thấy càng ngày càng khó hơn để khôi phục thế mạnh của họ ở môn Sambo này.

“Tôi nhớ rằngvào tháng 12-1999, lãnh đạo đội tuyển Mỹ, một nhân vật chống Liên Xô khét tiếng, đã tỏ ý hoan hỷ khi thấy chúng tôi thi đấu lần cuối cùng cho Liên bang Xô Viết”, ông Rudman kể lại. “Nhưng tôi đã nói với ông ta rằng chớ nên vội mừng. Thay vì chạy đua với một đội Sambo, giờ đây đội tuyển của ông ta sẽ phải thi tài với 15 đội tuyển Sambo đại diện cho các nước cộng hòa Xô Viết cũ”. FIAS hiện có 52 thành viên và 35 quốc gia có đội tuyển dự giải vô địch Sambo thế giới tổ chức cuối năm 2005 tại thủ đô Astana của Cadắcxtan. Nga vẫn đứng đầu bảng tổng sắp huy chương với 8 huy chương vàng, Mông Cổ đứng thứ hai (4 HCV) và Ucraina đứng thứ 3 (3 HCV). Nhiều năm qua, Sambo đã tìm cách nâng vị thế để được đưa vào chương trình thi đấu Olympic song chưa thành công. Tuy nhiên so với cuộc vận động của Wushu thì Sambo khả quan hơn nhiều.

Ông Herve Gheldman, Chủ tịch Liên đoàn Sambo Thụy Sỹ, nói rằng sự nổi trội của người Nga ở môn võ này là điều hiển nhiên. Họ nói: “Tôi đã từng nói với đồng sự người Pháp rằng ông ấy sẽ thuộc làu Quốc ca Nga sau khi được nghe liên tiếp bản nhạc này tại một giải vô địch Sambo bởi những võ sĩ Nga bao giờ cũng giành chiến thắng”. Quan chức Thụy Sỹ này cho biết: “Nhưng chúng tôi có thể làm gì được ? Nếu so sánh vận động viên của họ với vận động viên của chúng tôi thì chẳng khác gì so một người lớn với một đứa bé. Bên cạnh đó Nga có hàng nghìn vận động viên để lựa chọn, trong khi chúng tôi chỉ có gần 100 võ sĩ, trong đó số người có thể thi đấu cấp quốc tế chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay”.

HNM

ANHTHU