10 sự kiện tiền tệ - ngân hàng nổi bật năm 2005
Kinh tế - Ngày đăng : 16:16, 30/12/2005
1. Thị trường tiền tệ thường xuyên nóng lên, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ theo hướng chặt chẽ.
Trong năm 2005, Ngân hàng Nhà nước 3 lần quyết định điều chỉnh tăng lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu, 2 lần điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản, lãi suất tiền gửi.
Cụ thể, từ tháng 1/2005, lãi suất tái cấp vốn tăng từ 5,0%/năm lên 5,5%/năm và lãi suất chiết khấu từ 3,0% lên 3,5%/năm. Từ tháng 2/2005 lãi suất cơ bản tăng từ 7,5%/năm lên 7,8%/năm.
Lãi suất tiền gửi và huy động vốn nội tệ của các ngân hàng thương mại trong năm 2005 bình quân tăng 0,48%/năm - 0,63%/năm của mỗi kỳ hạn so với năm 2004. Lãi suất huy động vốn và lãi suất cho vay USD của các ngân hàng thương mại trong nước cũng tăng lên, với mức tăng 1,25% - 1,5%/năm so với năm 2004.
2. Thị trường ngoại hối diễn biến trái chiều, giá vàng tăng cao, nhưng tỷ giá ổn định, chỉ tăng có 0,9%.
Thời điểm giá vàng tăng cao nhất trong năm 2005 xẩy ra vào ngày 12/12/2005, giá vàng trên thị trường quốc tế tăng lên đỉnh điểm 544 USD/ounce, cao nhất trong 24 năm qua. Giá vàng SJC bán ra lên tới 1.045.000 đồng/chỉ, cao nhất trong lịch sử thị trường vàng ở nước ta từ trước tới nay. Sau đó giảm nhanh xuống còn 498 USD/ounce vào ngày 22/12/2005, giá vàng SJC bán ra trong nước giảm xuống 945.000 đồng/chỉ.
Tính chung trong năm 2005, giá vàng tăng 11,3%, thấp nhất trong 4 năm gần đây so với mức tăng 11,7% của năm 2004, 26,6% của năm 2003 và 19,4% của năm 2002.
3. Tổ chức thành công ngoài dự kiến đợt phát hành trái phiếu tăng vốn đầu tiên của Vietcombank.
Trong phiên đấu thầu trái phiếu của Vietcombank tổ chức ngày 14/12/2005, có sự tham gia của 67 nhà đầu tư; trong đó có 29 nhà đầu tư dự thầu ở Tp.HCM và 38 nhà đầu tư dự thầu ở Hà Nội. Mức lãi suất trần của trái phiếu là 8,5%/năm. Kết quả có 65 trong tổng số nhà đầu tư bỏ thầu hợp lệ. Lãi suất trúng thầu khớp lệnh là 6,0%/năm.
Ngày 15/12/2005, Vietcombank bán 3,6 triệu trái phiếu cho các nhà đầu tư cá nhân với lãi suất là 6%/năm tại 112 điểm giao dịch ở 30 tỉnh, thành phố. Song chỉ trong 2-3 phút đầu giờ giao dịch buổi sáng ngày 15/12/2005, Vietcombank đã bán được 5,25 triệu trái phiếu so với kế hoạch 3,6 triệu cho 96 nhà đầu tư cá nhân, với số tiền thu được trên 525,4 tỷ đồng. Như vậy tổng số tiền thu được trong đợt phát hành trái phiếu lần này là 1.385,2 tỷ đồng.
4. Môi trường pháp lý trong hoạt động tiền tệ - ngân hàng ngày càng được hoàn thiện.
Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2005/NĐ - CP về phòng, chống rửa tiền. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2005.
Ban hành Nghị định số 109/2005/NĐ - CP sửa đổi, bổ sung một số điều về quy định bảo hiểm tiền gửi. Theo đó, mức tiền gửi được bảo hiểm nâng từ 30 triệu đồng lên 50 triệu đồng.
Tại phiên họp thứ 35, Ủy ban thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Pháp lệnh ngoại hối, có hiệu lực từ ngày 1/6/2006. Pháp lệnh được đánh giá là thống nhất các hoạt động ngoại hối, hướng tới một thị trường ngoại hối mở, tự do hoá và minh bạch.
5. Hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần phát triển cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả.
Năm 2005, đánh giá sự phát triển nhanh vượt bậc về màng lưới, công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực và quy mô kinh doanh. Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đạt quy mô tăng trưởng tài sản có và tài sản nợ tới 50% - 79% so với năm 2004. Các ngân hàng thương mại cổ phần đồng loạt thực hiện nhiều đợt tăng vốn điều lệ. Cổ phiếu của hầu hết ngân hàng thương mại cổ phần đô thị hấp dẫn nhà đầu tư, giá giao dịch trên thị trường OTC cao hơn rất nhiều so với mệnh giá ban đầu, đặc biệt là của ACB, Sacombank, Đông Á, Eximbank, Techcombank, MB...
Dự kiến đầu năm 2006 Việt Nam sẽ có 4 ngân hàng thương mại cổ phần đạt số vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng.
6. Phát hành thành công Trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế.
Chính phủ lần đầu tiên phát hành 750 triệu USD trái phiếu ra thị trường quốc tế, thời hạn trái phiếu là 10 năm, so sánh giữa lãi suất thời điểm phát hành và lãi suất thời điểm hiện nay đã lợi cho đất nước số ngoại tệ khá lớn do chênh lệch lãi suất.
Giá bán cuối cùng của Trái phiếu Chính phủ Việt Nam cho các nhà đầu tư nước ngoài bằng 98,223% mệnh giá, với lãi suất là 6,875%/năm, tính ra theo lợi suất của nó, lãi suất của 100% mệnh giá trái phiếu là 7,125%/năm.
7. Kết quả đấu thầu tín phiếu Kho bạc Nhà nước đạt cao nhất từ trước tới nay.
Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp tổ chức được 60 phiên đấu thầu Tín phiếu Kho bạc, so với 48 phiên đấu thầu của năm 2004. Tổng khối lượng trúng thầu tín phiếu Kho bạc Nhà nước đến ngày 19/12/2005 đạt 22.120,6 tỷ đồng, so với mức 18.590 tỷ đồng của năm 2004, đạt mức kỷ lục từ trước đến nay.
8. Bùng nổ thị trường dịch vụ thẻ ngân hàng
Tính đến cuối năm 2005, có 17 ngân hàng thương mại Việt Nam phát hành thẻ nội địa, 6 ngân hàng thương mại phát hành thẻ tín dụng quốc tế. Trong toàn quốc có tổng số hơn 1.200 máy ATM, 12 máy POS và điểm chấp nhận thanh toán thẻ. Các ngân hàng thương mại đã phát hành là 2,1 triệu thẻ các loại. Doanh số thanh toán và rút tiền mặt của dịch vụ thẻ năm 2005 tăng 300% so với năm 2004. Dịch vụ thanh toán thẻ qua hệ thống ATM ngày càng mở rộng, như: nộp phí bo hiểm, tiền điện, nước, cước phí điện thoại,...
Dự kiến đầu năm 2006, VNBC sẽ kết nạp thêm hai thành viên mới là VP Bank và Ngân hàng cổ phần Hàng hải. Mạng liên kết thẻ do Vietcombank đứng đầu đã kết nối với 6 ngân hàng thương mại khác. Mạng Bank Net gồm 11 ngân hàng thương mại thành viên dự kiến sẽ kết nối trong năm 2006.
9. Tập trung nâng cao chất lượng tín dụng, làm rõ thực chất nợ xấu tại hệ thống ngân hàng.
Năm 2005, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 493 về phân loại tài sản có và trích lập dự phòng rủi ro phù hợp với thông lệ quốc tế. Các ngân hàng thương mại triển khai nghiêm túc việc quản lý và đánh giá ch t lượng tín dụng theo quy chế mới.
Đến nay, 4 ngân hàng thương mại nhà nước đã xử lý bằng nhiều giải pháp khác nhau được 92% tổng số nợ xấu phải xử lý, giảm tỷ lệ nợ xấu của khối ngân hàng này xuống dưới 5%.
Các ngân hàng thương mại trên địa bàn Tp.HCM đến hết tháng 12/2005 dư nợ thuộc loại đủ tiêu chuẩn, hay còn gọi là nợ nhóm I chiếm 92,69%; nợ cần chú ý thuộc nhóm II chiếm 4,55%; nợ dưới tiêu chuẩn thuộc nhóm III chiếm 0,78%; nợ nghi ngờ thuộc nhóm IV chiếm 0,52% và nợ thuộc nhóm V chỉ có 1,46%. Hay nói cách khác, theo phương pháp phân loại chất lượng tín dụng theo thông lệ quốc tế nói trên thì các loại nợ xấu thuộc các nhóm III+IV+V chỉ có 2,76%.
10. Quy mô kinh doanh ngoại tệ của các ngân hàng thương mại tăng cao.
Ước tính tổng giá trị doanh số mua ngoại tệ kinh doanh quy ra VND năm 2005 của các ngân hàng thương mại trên địa bàn Hà Nội là 535.860 tỷ đồng, tổng giá trị bán ngoại tệ kinh doanh là 553.560 tỷ đồng, tăng g p gần 2 lần doanh số năm 2004.
Trên địa bàn Tp.HCM, trong năm 2005 tổng doanh số mua ngoại tệ của các ngân hàng thương mại đạt 20.406,64 triệu USD, tăng 45,56%; tổng doanh số bán đạt 19.627,8 triệu USD, tăng 50,43% so với năm 2004.
Theo Vnexpress