Bầu cử Quốc hội Israel: Lối thoát sau "vòng xoáy" bất ổn
Thế giới - Ngày đăng : 06:38, 08/11/2022
Theo kết quả kiểm phiếu, đảng Likud của ông Benjamin Netanyahu giành được nhiều ủng hộ của cử tri nhất. Ông Benjamin Netanyahu và các đồng minh chính trị giành được 64 ghế tại Quốc hội, đủ để thành lập chính phủ đa số; trong khi đó, liên minh của Thủ tướng Yair Lapid chỉ đạt được 51 ghế. Thủ tướng Yair Lapid đã gọi điện chúc mừng chiến thắng của ông Benjamin Netanyahu, đồng thời chỉ đạo các trợ lý để thực hiện chuyển giao quyền lực một cách bài bản.
Ngay sau khi kết quả chính thức được công bố, ngày 7-11, ông Benjamin Netanyahu đã gặp gỡ với lãnh đạo các đảng cánh hữu để bắt đầu cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh, mà theo Hiến pháp Israel quy định, tiến trình này sẽ kéo dài trong vòng 28 ngày. Nếu các cuộc đàm phán phân chia vị trí trong bộ máy nội các kết thúc sớm, chính phủ mới có thể sẽ tuyên thệ nhậm chức trước thời hạn.
Thắng lợi của khối cánh hữu do đảng Likud đứng đầu trong cuộc bầu cử lần này được cho là vì cử tri đã dần mất kiên nhẫn với sự bất ổn trên chính trường kéo dài từ năm 2019. Sau cuộc bầu cử tháng 3-2021, một liên minh đã được thành lập, bao gồm các đảng pha trộn từ cánh tả, cánh hữu tới đảng của người Arab, với mục đích loại bỏ vị thủ tướng nắm quyền lâu nhất Benjamin Netanyahu khỏi chính trường. Cũng vì lý do này mà chính phủ liên minh, dưới sự điều hành của hai thủ tướng luân phiên Naftali Bennett và Yair Lapid đã không tránh khỏi tan rã sau hơn một năm... Cử tri đã dồn phiếu để bỏ cho khối cánh hữu của ông Benjamin Netanyahu, người được cho là có nhiều thành tựu trong chính sách điều hành đất nước.
Không giống như chính phủ liên minh trước - bao gồm 8 đảng thành viên, có sự khác biệt lớn về đường lối và chương trình nghị sự - liên minh cánh hữu lần này chỉ gồm 4 thành phần và khá đồng nhất. Bởi vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng, ông Benjamin Netanyahu sẽ không gặp nhiều khó khăn trong quá trình đàm phán thành lập chính phủ liên minh cũng như thỏa thuận những quyết sách trong tương lai. Điều mà dư luận lo ngại là sự trỗi dậy của các đảng cực hữu, tôn giáo trong lần bầu cử này sẽ khiến chính phủ mới trở nên bảo thủ hơn, các chính sách đối nội và đối ngoại của Israel trong thực tế sẽ bị tác động.
Trên thực tế, Religious Zionism, Shas và Phong trào Thống nhất Torah đều là những đảng của người Do Thái Haredi chính thống và bảo thủ. Trước đó, các đảng này đều đã lên kế hoạch đảo ngược một số chính sách cải tổ do chính phủ khóa trước thực hiện, đồng thời đề ra một số định hướng mới nhằm củng cố sự kiểm soát của người Do Thái chính thống trong đời sống tôn giáo tại Israel. Hai trong số các chính trị gia theo đường lối cứng rắn là Itamar Ben-Gvir và Bezalel Smotrich của Religious Zionism đang đàm phán để được giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy an ninh quốc phòng của Israel. Nếu thảo thuận đạt được, họ có thể khiến chính sách của Israel với người Palestine thêm cứng rắn và ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao với Mỹ.
Tuy nhiên, nhiều nhà bình luận tin rằng, ông Benjamin Netanyahu, là một chính trị gia lão luyện và từng đảm nhiệm vị trí thủ tướng trong nhiều năm, sẽ cân bằng được áp lực từ nội bộ liên minh với chính sách trấn an các đồng minh, trong đó có Mỹ. Ông Benjamin Netanyahu cũng đã cam kết sẽ xây dựng một liên minh có trách nhiệm, tránh “những cuộc phiêu lưu không cần thiết” và “mở rộng phạm vi hòa bình”.