Italia công bố gói hỗ trợ 9,3 tỷ USD: Đối phó "cơn bão” giá năng lượng
Thế giới - Ngày đăng : 07:08, 13/11/2022
Bộ Tài chính Italia cho biết, gói hỗ trợ trị giá 9,1 tỷ euro (tương đương 9,3 tỷ USD) sẽ nối dài những nỗ lực của chính quyền của cựu Thủ tướng Mario Draghi trong việc giúp giảm áp lực chi trả hóa đơn năng lượng tăng vọt cho người dân và doanh nghiệp. Hơn một phần ba khoản hỗ trợ mới sẽ được dùng để gia hạn chương trình giảm thuế cho các doanh nghiệp, chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng; đồng thời phân bổ cho các chương trình tăng sản lượng khí đốt và nguồn dự trữ năng lượng cho mùa đông sắp tới.
Theo kế hoạch, các khoản này sẽ triển khai đến tháng 11, nhưng có thể được kéo dài đến cuối năm. Trong đó, chính sách cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu sẽ được gia hạn đến hết tháng 12, thay vì ngày 18-11 như kế hoạch ban đầu. Nhằm hỗ trợ và bảo đảm lợi ích của các doanh nghiệp, chính phủ Italia còn cho phép các công ty thanh toán hóa đơn năng lượng bằng hình thức trả góp theo một chương trình bảo lãnh của nhà nước trong trường hợp không trả được nợ. Nhờ gói hỗ trợ mới, Italia cũng sẽ bỏ đánh thuế các khoản thu nhập tăng thêm của người lao động để hỗ trợ người dân thanh toán hóa đơn năng lượng, với mức hỗ trợ tối đa cho 1 người là 3.000 euro.
Ngoài ra, nhằm cải thiện kho dự trữ năng lượng, Italia sẽ cho phép Tập đoàn khí đốt nhà nước Gestore dei Servizi Energetici (GSE) vay 4 tỷ euro để duy trì kho dự trữ chiến lược sang tới năm 2023. Cùng với đó, với mong muốn tăng gấp đôi sản lượng khí đốt lên 6 tỷ mét khối mỗi năm, khoản hỗ trợ mới sẽ tài trợ các dự án khoan mới trong hải phận 9 đến 12 dặm ngoài khơi bờ biển Adriatic của Italia.
Để có nguồn lực bổ sung giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng, Chính phủ Italia sẽ chọn cách đi vay, dù điều này sẽ nâng nợ công lên 4,5% sản lượng kinh tế hằng năm vào năm 2023, thay vì mức 3,4% như dự báo trước đó. Cũng theo ước tính của Bộ Tài chính Italia, các biện pháp hỗ trợ nói trên sẽ khiến thâm hụt ngân sách tăng từ mức 5,1% dự báo trước đó lên 5,6%.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc Chính phủ Italia tiếp tục có những biện pháp hỗ trợ người dân lúc này là hợp lý và là hướng đi đúng với cam kết của tân Thủ tướng Giorgia Meloni rằng sẽ kiềm chế giá năng lượng và lạm phát trong những tháng tới. Điều này càng có ý nghĩa khi số liệu của Viện Thống kê quốc gia Italia (ISTA) ghi nhận lạm phát tại nước này đã tăng 11,9% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái, là mức tăng cao nhất trong gần 40 năm qua.
Gói hỗ trợ mới cũng sẽ giúp các doanh nghiệp Italia “dễ thở” hơn, trong bối cảnh nhóm này đang vất vả ứng phó khủng hoảng năng lượng. Tuần trước, Hiệp hội Công nghiệp Italia đã hối thúc chính phủ cung cấp thêm gói cứu trợ trị giá từ 40 đến 50 tỷ euro để tránh tình trạng hàng nghìn công ty rơi vào phá sản và dẫn đến thất nghiệp quy mô lớn. Rome hiện duy trì dự báo, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ giảm nhẹ trong nửa sau của năm 2022, xu hướng đi xuống này có thể sẽ kéo dài sang quý I-2023, đồng nghĩa nền kinh tế Italia nhiều khả năng rơi vào suy thoái. Nếu kịch bản này xảy ra, nguồn thu từ thuế thu nhập sẽ giảm, tạo ra hạn chế đối với khả năng sử dụng ngân sách của chính phủ.
Rõ ràng, những khó khăn chồng chất của nền kinh tế Italia đang đặt chính phủ của Thủ tướng Giorgia Meloni trước muôn vàn thách thức. Tuy nhiên, đây cũng sẽ là thử thách quan trọng để bộ máy điều hành mới của nền kinh tế lớn thứ ba trong Liên minh châu Âu (EU) thể hiện năng lực chèo lái, qua đó gia tăng uy tín trước người dân.