Sắc lệnh mới nhất của chính quyền Taliban: Tước đoạt tương lai phụ nữ Afghanistan
Thế giới - Ngày đăng : 06:56, 18/11/2022
Người phát ngôn Bộ Tuyên truyền đạo đức và phòng chống tệ nạn Afghanistan Mohammad Akif Sadeq Mohajir cho biết, lệnh cấm xuất phát từ việc các huấn luyện viên tại các phòng tập thể thao chủ yếu là nam giới và một số địa điểm là phòng tập hỗn hợp cả nam và nữ. Trong khi đó, các nhà tắm "hammam", tức nhà tắm công cộng truyền thống phân khu nam - nữ, giờ đây cũng nằm ngoài phạm vi tiếp cận của phụ nữ.
Quy định mới nhất nói trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi chính quyền Taliban ở Afghanistan ban hành lệnh cấm phụ nữ ở thủ đô Kabul đến các công viên và hội chợ với lý do nhiều phụ nữ vi phạm quy định về trang phục.
Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan từ tháng 8-2021. Dù cam kết áp dụng các quy định Hồi giáo mềm dẻo hơn so với giai đoạn cầm quyền đầu tiên 1996-2001, nhưng Taliban đã từng bước đưa ra các biện pháp hạn chế đời sống xã hội, nhất là đối với phụ nữ. Hầu hết các trường cấp hai cho trẻ em gái vẫn phải đóng cửa, trong khi phụ nữ bị cấm đảm nhận các vị trí trong chính phủ, cấm ra nước ngoài, thậm chí không được đi lại giữa các thành phố trừ khi đi cùng một người thân là nam giới.
Sodaba Nazhand, nhà hoạt động vì quyền phụ nữ có trụ sở tại thủ đô Kabul cho biết, lệnh cấm tập thể dục, đến công viên, nơi làm việc và trường học sẽ khiến nhiều phụ nữ băn khoăn về những gì còn lại cho họ ở Afghanistan. Đại diện đặc biệt của Liên hợp quốc về phụ nữ tại Afghanistan Alison Davidian cũng lên án lệnh cấm này: “Đây là một ví dụ khác về việc Taliban liên tục loại bỏ phụ nữ khỏi đời sống công cộng một cách có hệ thống. Chúng tôi kêu gọi Taliban khôi phục tất cả các quyền và tự do cho phụ nữ và trẻ em gái".
Trước khi có lệnh cấm này, Công viên Zazai tại thành phố Kabul đã đón hàng trăm du khách vào những ngày phụ nữ mang con đến họp mặt gia đình. Nhưng nay, vòng đu quay và hầu hết các trò chơi khác trong công viên này phải dừng hoạt động vì vắng khách. Habib Jan Zazai - chủ đầu tư, bày tỏ lo ngại về khả năng phải đóng cửa công viên mà ông đã rót vốn 11 triệu USD và sử dụng hơn 250 nhân viên. Cũng theo ông Habib Jan Zazai, những lệnh cấm như vậy sẽ không khuyến khích hoạt động đầu tư của người nước ngoài hoặc người Afghanistan sống ở nước ngoài, đồng thời ảnh hưởng đến việc thu ngân sách cũng như phát triển kinh tế - xã hội.
Trong một năm qua kể từ khi Taliban tiếp quản Afghanistan, các chính sách bất bình đẳng được xây dựng tỉ mỉ của lực lượng này đã khiến Afghanistan ngày càng trở thành "ốc đảo". Đây là quốc gia duy nhất trên thế giới cấm nữ sinh đến trường trung học. Không có phụ nữ trong nội các của Taliban, không có Bộ Phụ nữ, do đó loại bỏ quyền tham gia chính trị của phụ nữ. Hàng loạt các biện pháp phân biệt đối xử có chủ ý đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan cũng là một hành động tự hủy hoại đối với một quốc gia đang phải đối mặt với những thách thức to lớn.
Việc loại trừ phụ nữ khỏi mọi khía cạnh của cuộc sống đã cướp đi một nửa tài năng và sức lực của người dân Afghanistan. Theo giới quan sát, nếu không có sự tham gia đầy đủ của phụ nữ và trẻ em gái sẽ có rất ít cơ hội đạt được hòa bình, ổn định, phát triển kinh tế lâu dài. Nhiều thập kỷ tiến bộ về bình đẳng giới và quyền của phụ nữ tại Afghanistan đã bị xóa sổ chỉ trong vài tháng.