EU bất đồng về mức giá trần khí đốt
Thế giới - Ngày đăng : 07:19, 28/11/2022
Giá khí đốt tự nhiên và điện tăng đột biến vào tháng 8 vừa qua đã làm cựu Lục địa “choáng váng”, buộc khối này phải tìm kiếm một mức trần để kiềm chế giá cả biến động, đang làm gia tăng lạm phát. Theo Hội đồng châu Âu, giá khí đốt trong khối đã tăng hơn 150% trong khoảng thời gian từ tháng 7-2021 đến tháng 7-2022. Đây là một gánh nặng lớn đối với ngành Công nghiệp cũng như các hộ gia đình ở châu Âu và khiến phần lớn EU hiện đang đứng trước khả năng suy thoái trong những tháng tới.
Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra đề xuất giá trần khí đốt ở mức 275 euro/MWh. Đề xuất giá trần sẽ chỉ được kích hoạt nếu giới hạn 275 euro bị vượt qua liên tục trong vòng ít nhất hai tuần, đồng thời giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tăng hơn 58 euro trong 10 ngày cùng thời gian đó. Kế hoạch giá trần khí đốt, nếu được thông qua, sẽ được triển khai từ tháng 1-2023, song song với một sáng kiến tự nguyện dành cho các quốc gia thành viên EU nhằm cắt giảm 15% lượng khí đốt sử dụng trong mùa đông.
EC hy vọng mức trần sẽ giúp các quốc gia thành viên kiềm chế giá năng lượng cho hộ gia đình và doanh nghiệp vốn đã đạt mức cao kỷ lục trong năm nay, dẫn đến lạm phát và chi phí sinh hoạt bị thắt chặt. Cao ủy châu Âu về năng lượng Kadri Simson cho biết, đây là biện pháp cuối cùng để ngăn giá xăng tăng quá cao nhưng nó không phù hợp với xu thế tăng chung của thế giới. Các quan chức EU lưu ý, việc áp trần giá có thể không giúp hạ nhiệt giá cả nhưng bảo đảm cung cấp đủ khí đốt cho châu Âu.
Tuy nhiên, một cuộc họp khẩn cấp của các Bộ trưởng Năng lượng EU tại Brussels (Bỉ) hôm 24-11 vừa qua cho thấy, cuộc khủng hoảng năng lượng gắn liền với cuộc xung đột Nga - Ukraine đã chia rẽ liên minh 27 quốc gia thành viên, gần như không thể hòa giải. Tại cuộc họp, nhiều Bộ trưởng năng lượng EU đã chỉ trích đề xuất mới nhất của EC về việc thiết lập mức giá trần khí đốt trên toàn EU, gọi nó là không phù hợp, không thực tế. Trong số các nước châu Âu thì 15 nước muốn áp giá trần khí đốt nhưng phải là một mức giá thấp chứ không cao như EC đề xuất.
Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường Ba Lan Anna Moskwa cho rằng: "Giá trần đề xuất là không thể chấp nhận được, quá cao so với giá thị trường hiện nay". Còn theo Bộ trưởng Môi trường và Năng lượng Hy Lạp Konstantinos Skrekas, mức trần giữa 152 và 100 euro sẽ thực tế hơn và giúp giảm giá khí đốt, đó mới là thách thức chính ở châu Âu trong mùa đông này và mùa đông tới. Khi giá khí đốt đạt sát mức giá trần 275 euro/MWh mà EC đề xuất thì rất nhiều quốc gia châu Âu sẽ không thể mua được khí đốt lâu dài.
Trong khi đó những nước có kinh tế vững mạnh như Hà Lan, Thụy Điển, Áo và Phần Lan lại phản đối bất kỳ mức giá trần nào, vì lo ngại can thiệp quá sâu vào thị trường tự do vận hành theo lợi nhuận có thể lại phản tác dụng. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng đã cảnh báo việc áp mức trần để giảm giá khí đốt so với mức tăng "phi mã" hiện nay có thể khiến tiêu thụ năng lượng tăng đột biến vào thời điểm các nước đang chạy đua để tiết kiệm nhiên liệu.
Trong bối cảnh mùa đông đang tới gần và nhu cầu khí đốt của châu Âu để sưởi ấm cũng như cấp điện và vận hành các nhà máy gia tăng, nếu Nga tiếp tục cắt giảm nguồn cung tới châu Âu, giá của mặt hàng này có thể sẽ tiếp tục tăng. Diễn biến này có thể khiến lạm phát và khủng hoảng năng lượng ở châu Âu trở nên trầm trọng. Thế nên, Cộng hòa Séc - quốc gia giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng EU, sẽ triệu tập một cuộc họp bất thường mới vào giữa tháng 12 tới để thu hẹp khoảng cách về việc áp giá trần khí đốt, chấm dứt những bất đồng dai dẳng giữa các quốc gia thành viên.