Nền kinh tế Mỹ: Tiềm ẩn những khó khăn
Thế giới - Ngày đăng : 07:06, 03/12/2022
Theo báo cáo Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố, kinh tế nước này trong quý III-2022 đã tăng trưởng cao hơn so với ước tính, nhờ tăng chi tiêu tiêu dùng và đầu tư cho kinh doanh. Trong đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ghi nhận mức tăng trưởng 2,9%, cao hơn so với mặt bằng chung các ước tính trước đó là 2,6%. Riêng tháng 10-2022, tổng số cơ hội việc làm được điều chỉnh theo mùa là 10,3 triệu, giảm so với 10,7 triệu trong tháng trước đó, nhưng vẫn cao hơn mức 6,1 triệu người thất nghiệp đang tìm việc làm.
Các số liệu về tăng trưởng và việc làm nói trên cho thấy sự ổn định tạm thời của nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh khả năng phục hồi sau đại dịch Covid-19 chậm lại và những lo ngại về suy thoái kinh tế hiển hiện. Tuy nhiên, đà khởi sắc được cho là không dài, và một cuộc suy thoái nhẹ sẽ ập tới trong nửa đầu năm 2023. Lo ngại này gia tăng khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vẫn phải tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất kể từ đầu những năm 1980 để hạ nhiệt nền kinh tế và kiềm chế lạm phát kỷ lục. Tỷ lệ lạm phát của Mỹ đã vọt lên mức 9,1% trong tháng 6-2022 - cao nhất trong 4 thập kỷ, trước khi giảm còn 7,7% trong tháng 10-2022, cao hơn nhiều mục tiêu 2% của FED.
Sức ép nêu trên khiến kinh tế khó tránh cảnh lao dốc. Ngân hàng J.P.Morgan cho rằng, đến quý IV-2023, kinh tế Mỹ sẽ giảm khoảng 0,5%, khiến GDP toàn năm giảm 1%. Mô hình dự báo kinh tế dựa trên 13 chỉ số tài chính do các chuyên gia tại Bloomberg đưa ra cũng cho kết quả tương tự, với tỷ lệ 100% nền kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong năm tới. Trong cuộc họp những ngày cuối tháng 11, các nhà kinh tế học của FED thừa nhận nguy cơ suy thoái, bởi lạm phát làm tăng kỳ vọng lãi suất, khiến hoàn cảnh của doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng thêm ngặt nghèo. Theo kịch bản tối ưu, với các biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ, lạm phát của Mỹ kỳ vọng hạ nhiệt còn 4,1% vào cuối năm 2023.
Cũng theo S&P Global, chỉ số sản lượng tổng hợp của Mỹ, bao gồm hoạt động sản xuất và dịch vụ, đã giảm xuống 46,3 điểm trong tháng 11 so với 48,2 điểm của tháng 10, là mức giảm nhanh nhất kể từ năm 2009. Chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát thường dùng của FED - được cho sẽ giảm còn 3,4% trong năm tới. Do tổng cầu giảm, Mỹ có thể mất 1 triệu việc làm vào giữa năm 2024. Thực tế, ngay lúc này, suy giảm nhu cầu về lao động đã thể hiện rõ nét, khi làn sóng sa thải lan rộng khắp các ngành công nghiệp của Mỹ, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, giải trí và bất động sản. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở xứ Cờ hoa vẫn tương đối thấp, song đã tăng cao hơn kể từ khi đạt mức thấp kỷ lục hồi đầu năm.
Hệ quả của kinh tế ảm đạm là gánh nặng lên người dân Mỹ ngày càng gia tăng, trong bối cảnh chi tiêu cuộc sống thêm đắt đỏ nhưng túi tiền eo hẹp dần. Nhiều khảo sát mới đây cho thấy, trong 6 tháng qua, có tới một phần ba người trưởng thành ở Mỹ không thể thanh toán đúng hạn các hóa đơn điện, nước. Thậm chí, 61% trong số này không có tiền để trang trải chi phí cơ bản. Khoảng 40% người được hỏi thừa nhận khả năng chi trả các hóa đơn đã giảm sút so với một năm trước.
Như vậy, rõ ràng thách thức với chính quyền của Tổng thống Joe Biden lúc này không chỉ nằm ở điều phối chính sách kinh tế vĩ mô để hướng tới tăng trưởng ổn định và bền vững, mà còn làm thế nào cho cuộc sống của người dân trong giai đoạn trước mắt tránh được cảnh khó khăn.