Liên minh châu Âu: Đối mặt thách thức mới
Thế giới - Ngày đăng : 07:01, 07/12/2022
IRA là kế hoạch trị giá 430 tỷ USD (408 tỷ euro) của Mỹ - nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, giảm chi phí thuốc men cho người già và giảm giá năng lượng. Bên cạnh đó, đạo luật cũng cung cấp các khoản trợ cấp lớn và giảm thuế hào phóng khi mua các sản phẩm do Mỹ sản xuất. Chỉ những quốc gia đã ký thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ, như Canada và Mexico, mới có thể hưởng lợi từ các khoản trợ cấp. Điều này đã gây ra những lo ngại ở EU rằng đạo luật có thể gây bất lợi cho các công ty châu Âu - từ các công ty sản xuất ô tô đến các nhà sản xuất công nghệ xanh.
Theo giới chức EU, liên minh này đang ở chế độ khẩn cấp và sẵn sàng trợ cấp lớn để ngăn ngành Công nghiệp châu Âu bị các đối thủ Mỹ xóa sổ. Thực tế, châu Âu đang phải đối mặt với “đòn” giáng kép từ Mỹ. Năng lực cạnh tranh của các cơ sở công nghiệp ở châu Âu bị yếu thế trước bối cảnh thiếu hụt nguồn cung năng lượng nghiêm trọng, trong khi giá cả tăng vọt. Các ngành sử dụng nhiều năng lượng đối mặt nhiều khó khăn, nguy cơ khiến nhiều công ty chuyển sản xuất sang những địa điểm có chi phí năng lượng giá rẻ, trong đó có Mỹ.
Cùng với đó, việc Mỹ tung ra đạo luật IRA khiến các quan chức EU lo ngại rằng các doanh nghiệp giờ đây sẽ chuyển khoản đầu tư mới sang Mỹ thay vì châu Âu. Việc giảm thuế không chỉ khiến các công ty châu Âu gặp bất lợi trước các đối thủ của Mỹ, mà các quy tắc viện trợ của EU ở dạng hiện tại đã ngăn cản các nước thành viên đưa ra các khoản giảm thuế hào phóng tương tự cho các công ty muốn thành lập nhà máy.
Trong một thông báo được đưa ra tại thành phố Bruges, Bỉ vào ngày 4-12, Chủ tịch EC Ursula Von Der Leyen cho hay, EU sẽ điều chỉnh các quy định trợ cấp nhà nước để ngăn tác động từ IRA. Cụ thể, EU cần sửa đổi quy định trong các ngành Công nghiệp ưu tiên như điện gió, điện mặt trời...
Trong khi đó, Ủy viên phụ trách thị trường nội địa châu Âu Thierry Breton cảnh báo, gói trợ cấp mới của Mỹ đặt ra một "thách thức hiện hữu" đối với nền kinh tế châu Âu. Vì vậy, để ứng phó với thách thức này, ông Thierry Breton ủng hộ việc Liên minh châu Âu xây dựng một kế hoạch tương tự như của Mỹ và thực tế nhất là thúc đẩy thành lập “Quỹ Chủ quyền châu Âu” với ngân sách vào khoảng 2% Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của EU, tương đương khoảng 350 tỷ euro.
“Quỹ Chủ quyền châu Âu” là dự án đã được Chủ tịch EC Usurla Von der Leyen đề cập trong Thông điệp liên bang hằng năm hồi tháng 9-2022. Dự án này có mục tiêu là hỗ trợ ngành Công nghiệp châu Âu, nhất là pin điện, bán dẫn, công nghệ hydro cũng như tăng khả năng kết nối giữa các nước thành viên để tăng tính cạnh tranh của châu Âu trước các chính sách mang tính bảo hộ từ các đối tác bên ngoài. Quỹ này cũng là một cách để tập hợp các khoản đầu tư giữa 27 quốc gia thành viên, giúp các nước "không có cùng không gian tài khóa giảm thiểu rủi ro đầu tư vào công nghệ tương lai và năng lực sản xuất công nghiệp".
Với việc IRA dự kiến có hiệu lực vào tháng 1-2023, EU đang cố gắng đàm phán một giải pháp với Washington để tránh một cuộc chiến thương mại toàn diện xuyên Đại Tây Dương. Một giải pháp tích cực hơn là liên minh 27 quốc gia thành viên này sẽ “phản công” bằng chương trình trợ cấp xanh của riêng mình để mang lại lợi ích cho các công ty châu Âu.