Chuyến thăm của Tổng thống Israel tới Vùng Vịnh: Bước tiến mới của Hiệp định abraham
Thế giới - Ngày đăng : 06:28, 08/12/2022
Với Bahrain, đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên trong lịch sử của một Tổng thống Israel tới quốc gia này. Trước đây, do lập trường nghiêng về ủng hộ Palestine nên Bahrain chọn đứng ở vị trí đối lập với Israel. Quan hệ giữa hai nước được duy trì ở mức thấp. Ngay ở thời điểm hiện tại, nhiều chính trị gia tại Bahrain vẫn phản đối việc “bắt tay” với Tel Avip do lo ngại các thỏa thuận hợp tác song phương sẽ gây trở ngại cho vị thế của người Palestine trong các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt sự chiếm đóng của Israel tại Bờ Tây và quan điểm xây dựng hai nhà nước độc lập được sự ủng hộ của Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận Hiệp định Abraham đã mang lại cho Bahrain nhiều hiệu quả tích cực. Trao đổi thương mại giữa Israel và Bahrain đã tăng trưởng đều đặn và đạt 7,5 triệu USD trong năm 2021. Trong đó, xuất khẩu của Israel chiếm khoảng 4 triệu USD, chủ yếu là các sản phẩm đá quý, kim cương, hóa chất công nghiệp, máy móc thiết bị. Ở chiều ngược lại, Israel nhập khẩu chủ yếu là kim loại cơ bản, khoáng chất và các sản phẩm hóa dầu từ Bahrain. Trong chuyến thăm của Tổng thống Isaac Herzog lần này, hai bên tiếp tục trao đổi các nội dung tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, thương mại, du lịch và môi trường.
Tại UAE, chặng dừng chân thứ hai của Tổng thống Isaac Herzog trong chuyến công du Vùng Vịnh, nhà lãnh đạo Israel đã có nhiều cuộc gặp mặt cấp cao với nước chủ nhà để bàn thảo vấn đề thúc đẩy thỏa thuận song phương về kinh tế, du lịch, hàng không, an ninh... Việc mở rộng cửa giao thương giữa hai trong số các quốc gia năng động nhất Trung Đông sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế khu vực, thúc đẩy đổi mới công nghệ và củng cố mối quan hệ gần gũi hơn giữa các dân tộc trong khu vực.
Kể từ khi ký kết Hiệp định Abraham năm 2020, quan hệ Israel - UAE đã được cải thiện đáng kể. Đáng chú ý, kim ngạch thương mại giữa Israel và UAE đã tăng mạnh lên 2,5 tỷ USD và được dự báo sẽ tiếp tục tăng gấp đôi, lên 5 tỷ USD trong giai đoạn 2023-2024. Tổng thống UAE Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan cũng khẳng định, Hiệp định Abraham đang đạt được các mục tiêu đề ra, vì vậy hai bên rất tự hào.
Được coi là một “Bình minh mới của Trung Đông”, Hiệp định Abraham đang phát huy hiệu quả khi kết nối Israel với những nền kinh tế năng động nhất tại Vùng Vịnh (UAE, Bahrain, Morocco và Ai Cập), trải rộng trên các lĩnh vực an ninh, kinh doanh, năng lượng và khoa học. Đây cũng được xem là thành công của Nhà nước Do Thái trong chiến lược thay đổi cách tiếp cận với các quốc gia Arab theo đạo Hồi.
Trên thực tế, dù vẫn tồn tại sự đối nghịch không nhỏ trong cộng đồng Hồi giáo với Israel, song không gì có thể đảo ngược được sự tồn tại mạnh mẽ của Nhà nước Do Thái này trong khu vực. Sự lớn mạnh về kinh tế, chính trị lẫn quân sự của Israel là điều kiện tiên quyết để người Do Thái bảo vệ được sự tồn tại của mình giữa vòng cô lập suốt hơn 7 thập kỷ qua.
Có thể khẳng định, Hiệp định Abraham là bước đột phá quan trọng trong thế trận khu vực của Israel, cho phép nước này có thêm không gian phát triển; tiếp tục giúp Israel có cơ hội thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ với thế giới Arab. Tổng thống Isaac Herzog cũng khẳng định, sau 2 năm Hiệp định Abraham được ký kết và thực thi đầy đủ, giờ đã đến lúc Israel cần vươn tới tầm cao mới của hành trình, nghĩa là nâng cấp quan hệ giữa các bên hơn nữa, củng cố và đưa thêm nhiều nước tham gia hiệp định.