Romania và Bulgaria: Lại lỡ ''chuyến tàu'' vào Schengen
Thế giới - Ngày đăng : 07:07, 11/12/2022
Trong thông báo được đưa ra sau cuộc họp ngày 8-12, Ủy viên phụ trách nội vụ của EU, bà Ylva Johansson cho biết, các Bộ trưởng Nội vụ, liên minh này đã nhất trí cho phép Croatia tham gia đầy đủ vào khu vực miễn thị thực Schengen, tuy nhiên Romania và Bulgaria sẽ phải chờ thêm một thời gian.
Quá trình xem xét Romania, Bulgaria và Croatia gia nhập khu vực Schengen năm nay diễn ra trong bối cảnh vấn đề di cư đang quay trở lại bàn nghị sự của các cuộc họp ở châu Âu. Sau hai năm xảy ra đại dịch Covid-19, dòng người tị nạn vào EU bắt đầu tăng mạnh kể từ đầu năm 2022 thông qua một số tuyến đường. Trong đó, tuyến đường Địa Trung Hải đã khiến quan hệ giữa Pháp và Italia leo thang căng thẳng do mâu thuẫn về việc tiếp nhận người di cư được tàu Ocean Viking của Tổ chức từ thiện SOS Địa Trung Hải cứu sống. Trên tuyến đường Tây Balkan, nhiều quốc gia, dẫn đầu là Áo và Hungary, đã áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới nội bộ để hạn chế việc di chuyển của dòng người di cư.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Áo Gerhard Karner, sở dĩ Áo phủ quyết Romania và Bulgaria gia nhập Schengen bởi nước này đang chứng kiến tình trạng người xin tị nạn tăng mạnh, trong đó hơn 100.000 trường hợp nhập cư trái phép đã được phát hiện trong năm nay. Khoảng 40% người di cư đến Áo sau khi đi qua Thổ Nhĩ Kỳ vào Bulgaria, Romania, tiếp đó đi qua Hungary. Trong khi đó, khu vực Schengen cho phép người dân qua lại tự do, không cần thị thực hay hộ chiếu. Mỗi ngày, có khoảng 3,5 triệu người qua lại biên giới các nước. Áo lo ngại, việc chấp nhận Bulgaria và Romania sẽ làm tăng nhập cư thông thường, gây ảnh hưởng tới các vấn đề xã hội.
Gia nhập EU từ năm 2007, song con đường vào Schengen của Romania và Bulgaria khá gian nan. Theo đó, để được tham gia khu vực này đòi hỏi phải áp dụng các quy tắc chung, quản lý hợp lý các biên giới bên ngoài, chia sẻ thông tin an ninh và hợp tác hiệu quả của lực lượng cảnh sát, biên phòng. Vào năm 2011, đơn gia nhập của cả Bulgaria và Romania đã bị Pháp, Đức, Phần Lan, Thụy Điển, Hà Lan và Bỉ phản đối vì những lo ngại liên quan đến tham nhũng, tội phạm có tổ chức và cải cách tư pháp. Trong những năm tiếp theo, các lo ngại trên vẫn tồn tại. Cuộc khủng hoảng di cư năm 2015-2016 càng làm giảm hy vọng kết nạp 2 nước.
Đến đầu năm nay, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã "mở cửa" trở lại cho sự gia nhập của Bulgaria và Romania. Động thái của Paris cũng nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ông cam kết sẽ nỗ lực để Romania và Bulgaria "trở thành thành viên chính thức" của Schengen. Trên thực tế, Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng, cả 3 ứng cử viên là Croatia, Bulgaria và Romania đã đáp ứng các tiêu chí để gia nhập khu vực tự do đi lại Schengen, trong khi Nghị viện châu Âu (EP) cũng đã bỏ phiếu ủng hộ quy chế thành viên cho các nước này.
Quyết định của Áo khiến mối quan hệ với Romania và Bulgaria trở nên căng thẳng. Ngày 9-12, Romania đã triệu hồi Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Áo Emil Hurezeanu về nước để tham vấn. Trước đó, Bộ Ngoại giao Romania cũng đã triệu tập Đại sứ Áo tại Romania tới trụ sở để chuyển lời phản đối của Romania về quyết định không thân thiện của Áo tại cuộc họp ngày 8-12. Bulgaria cũng đã cảnh báo sẽ đáp trả khi Áo phủ quyết đơn xin gia nhập Schengen của nước này.
Các nhà bình luận cho rằng, việc Áo phủ quyết đề nghị gia nhập Schengen của Romania và Bulgaria một lần nữa làm bộc lộ rạn nứt giữa các thành viên EU. Điều này sẽ là rào cản không nhỏ đối với “ngôi nhà chung” 27 thành viên trên con đường nhất thể hóa cũng như đối phó với các thách thức trong tương lai.