Mỹ thông qua dự luật chi tiêu quốc phòng tài khóa 2023: Tăng cường nguồn lực quân sự

Thế giới - Ngày đăng : 07:04, 18/12/2022

(HNM) - Đạo luật ủy quyền quốc phòng (NDAA) thường niên tài khóa 2023 vừa được lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua với ngân sách cao hơn đáng kể so với mức của năm 2022 và đề xuất dự thảo từ Nhà Trắng trước đó. Giới quan sát cho rằng, các điều khoản trong NDAA cho tài khóa 2023 sẽ thổi nguồn lực mới, tiếp sức cho những nỗ lực và định hướng quốc phòng của nước Mỹ.

Đạo luật ủy quyền quốc phòng thường niên tài khóa 2023 thể hiện nỗ lực của Mỹ nhằm duy trì ưu thế trên bàn cờ địa chính trị toàn cầu.

NDAA là một trong những đạo luật quan trọng nhất mà Quốc hội Mỹ buộc phải thông qua hằng năm. Sau khi được Hạ viện thông qua vào tuần trước với 350 phiếu ủng hộ và 80 phiếu chống, ngày 15-12 vừa qua, dự thảo NDAA thường niên tài khóa 2023 đã được Thượng viện Mỹ chấp thuận với 83 phiếu thuận và 11 phiếu chống... Việc thông qua NDAA là kết quả của nhiều tháng đàm phán giữa các nghị sĩ Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ tại Thượng viện và Hạ viện.

Theo NDAA mới nhất, Mỹ sẽ chi 858 tỷ USD cho các chương trình quốc phòng, cao hơn 45 tỷ USD (tương đương 5%) so với mức đề xuất của Tổng thống Joe Biden hồi tháng 3-2022, cao hơn 10% so với tài khóa 2022. Trong đó, khoảng 817 tỷ USD sẽ được phân bổ cho Bộ Quốc phòng, 30 tỷ USD được phân bổ cho Bộ Năng lượng... NDAA cũng đã nêu rõ cách thức Bộ Quốc phòng phân bổ nguồn ngân sách mới, trong đó hàng trăm tỷ USD sẽ chi cho các chương trình vũ khí và tăng 4,6% lương cho quân nhân từ tháng 1-2023.

Về đầu tư trang thiết bị, NDAA lần này dành 163 tỷ USD mua sắm quốc phòng; 139 tỷ USD nghiên cứu và phát triển; 279 tỷ USD dành cho vận hành và bảo trì. Nguồn ngân sách dồi dào cho phép quân đội Mỹ tới đây hiện đại hóa đáng kể khí tài. Số lượng mua sắm thêm cũng cao hơn so với dự kiến, ví dụ như 21 tàu hải quân mới thay vì 15 tàu, 69 máy bay F-35 mới thay vì 61 chiếc theo đề xuất. Toàn bộ các phương tiện hạt nhân của Mỹ - bao gồm máy bay, tàu ngầm và tên lửa - đều sẽ được chỉnh trang, nâng cấp.

NDAA mới cũng chi 211 tỷ USD cho lĩnh vực nhân sự và sức khỏe; 19 tỷ USD cho xây dựng công trình quân sự và 30 tỷ USD cho các chương trình hạt nhân liên quan đến quốc phòng. NDAA mới cũng viện trợ quân sự cho các quốc gia và vùng lãnh thổ khác, trong đó 10 tỷ USD (trong vòng 5 năm) tài trợ cho Đài Loan (Trung Quốc) mua sắm trang thiết bị quân sự do Mỹ sản xuất; 800 triệu USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine; phân bổ 11 tỷ USD cho “Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương” và 6 tỷ USD cho “Sáng kiến răn đe châu Âu” - chương trình được khởi xướng từ năm 2014 nhằm tăng cường sự sẵn sàng của quân đội Mỹ ở Lục địa già.

Ngoài khía cạnh tài chính, NDAA thường niên tài khóa 2023 cũng thay đổi nhiều quy định quốc phòng của nước Mỹ. Một trong những điểm gây chú ý là hủy bỏ chỉ thị của Bộ Quốc phòng năm 2021 về việc quân đội nước này phải tiêm vắc xin phòng Covid-19, trừ khi được miễn trừ theo lý do y tế hoặc tôn giáo. NDAA cũng điều chỉnh một số nguyên tắc truy tố trong hệ thống tư pháp quân sự, với điểm nhấn là chuyển quyền truy tố đối với một số tội danh từ chỉ huy quân sự sang các công tố viên đã được đào tạo.

Theo giới quan sát, việc NDAA lần này được thông qua nhanh chóng với tỷ lệ chênh lệch phiếu áp đảo so với những năm trước phần nào cho thấy những thuận lợi của Đảng Cộng hòa trong việc thúc đẩy các chính sách theo mong muốn. Một số ví dụ là việc cấp phép cho một số dự án năng lượng hay cho tái ngũ đầy đủ chế độ với những quân nhân trước đó từng xuất ngũ vì từ chối tiêm phòng Covid-19…

Nhìn chung, các điều khoản trong NDAA thường niên tài khóa 2023 sẽ thổi nguồn lực mới, tiếp sức cho những nỗ lực và định hướng quốc phòng của nước Mỹ, trong đó tiếp tục thể hiện rõ nét cam kết ủng hộ đồng minh trên toàn cầu trước những diễn biến phức tạp gần đây.

Hoàng Linh