Đề xuất xem xét tuổi thọ của các nhà máy hạt nhân tại Đức: Tiếp tục dấy lên bất đồng
Thế giới - Ngày đăng : 06:41, 05/01/2023
Trong 3 thập kỷ qua, năng lượng hạt nhân là một trong những cuộc tranh luận gây chia rẽ nhất ở Đức. Vào những năm 1990, 19 nhà máy điện hạt nhân đã sản xuất khoảng 1/3 nguồn cung cấp điện cho Berlin.
Tuy nhiên, quá trình loại bỏ hạt nhân của Đức bắt đầu vào năm 2000 với một số nhà máy bị đóng cửa. Việc xây dựng các nhà máy hạt nhân mới ở Đức đã kết thúc vào năm 2002 và các kế hoạch đã được thực hiện để loại bỏ dần tất cả cơ sở hiện có trong vài thập kỷ tới.
Dưới thời cựu Thủ tướng Angela Merkel, Đức quyết định đóng cửa các nhà máy hạt nhân còn lại sau thảm họa hạt nhân Fukushima tại Nhật Bản năm 2011. Khi đó, A.Merkel đã đưa nước Đức trở thành quốc gia công nghiệp hàng đầu duy nhất từ bỏ năng lượng nguyên tử trên thế giới bằng cách lên kế hoạch tự cung cấp nhiên liệu thông qua quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo bằng khí đốt giá rẻ của Nga.
Đức đã dự kiến hoàn thành việc ngừng sử dụng năng lượng hạt nhân vào cuối năm 2022, nhưng tình trạng khủng hoảng nguồn cung cấp năng lượng do Nga cắt giảm khí đốt đã gây ra cuộc tranh luận kéo dài về việc giữ cho các nhà máy điện hạt nhân luôn sẵn sàng hoạt động. Cuộc xung đột ở Ukraine đã buộc Đức phải kéo dài thời gian hoạt động của các nhà máy hạt nhân còn lại.
Cuối năm ngoái, Thủ tướng Olaf Scholz đã cố gắng ngăn chặn cuộc tranh cãi giữa đảng Xanh theo chủ nghĩa bảo vệ môi trường - những người ủng hộ mạnh mẽ việc từ bỏ năng lượng hạt nhân và đảng Dân chủ tự do (FDP) bằng cách ủng hộ việc duy trì hoạt động của 3 nhà máy hạt nhân đến tháng 4-2023.
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn tờ Frankfurter Allgemeine hôm 2-1, Bộ trưởng Giao thông - Vận tải thuộc đảng FDP V.Wissing lập luận rằng các dòng ô tô điện có lợi cho môi trường sẽ không thể hoạt động nếu thiếu nguồn điện từ năng lượng hạt nhân. Những người chỉ trích việc chấm dứt năng lượng hạt nhân cho rằng quyết định này có thể buộc Đức phải phụ thuộc nhiều hơn vào than đá, nguồn nhiên liệu vốn gây ô nhiễm hơn nhiều so với khí đốt, trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
Trong khi đó, đảng Xanh, một đối tác trong liên minh cầm quyền phản đối mạnh mẽ việc xem xét lại năng lượng hạt nhân. Những người ủng hộ chính sách này cho rằng việc kéo dài hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân sẽ tốn kém, thậm chí còn khó thực hiện hơn tiến trình xây dựng năng lượng tái tạo. Quan trọng hơn, những lo ngại về một thảm họa hạt nhân và câu hỏi chưa được giải quyết về việc phải làm gì với chất thải hạt nhân phóng xạ vẫn khiến nhiều người tin rằng việc gia hạn các nhà máy hạt nhân là một bước đi sai lầm.
Ở một số quốc gia, biến đổi khí hậu đã khiến năng lượng hạt nhân trở thành tâm điểm chú ý như một nguồn năng lượng carbon thấp có khả năng tạo ra điện khi không có đủ nắng và gió. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) coi hạt nhân là “nền tảng thiết yếu” của quá trình chuyển đổi năng lượng và Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc về châu Âu năm ngoái đã coi việc loại bỏ hạt nhân là một “bước lùi” đối với những nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Các nhà khoa học, chính trị gia và nhà hoạt động người Đức có xu hướng không đồng ý khi cho rằng Berlin nên triển khai năng lượng tái tạo nhanh hơn để loại bỏ than và hạt nhân song song.
Tuy nhiên, tuyên bố của Bộ trưởng Giao thông - Vận tải V.Wissing có thể khoét sâu những mâu thuẫn trong chính quyền Đức, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khí đốt đang buộc nước Đức phải xem xét lại chiến lược chuyển đổi năng lượng của mình.