Doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư kém hiệu quả - vì sao?
Kinh tế - Ngày đăng : 11:39, 13/12/2005
- Ông Lê Song Lai, Phó Vụ trưởng Vụ bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, tại thị trường Việt Nam, có nhiều công ty bảo hiểm sẵn sàng đầu tư trở lại hàng trăm tỷ đồng vốn tích luỹ được vào nền kinh tế. Song, thực tế, việc đầu tư của họ không hoàn toàn xuôn sẻ. Cơ cấu đầu tư chưa phong phú, đa dạng. Hiệu quả đầu tư còn thấp. Tỷ suất lợi nhuận của các công ty bảo hiểm chỉ đạt được khoảng trên dưới 10%.
Phần lớn các công ty bảo hiểm đều chưa hình thành được các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, độc lập. Vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp bảo hiểm vẫn còn phân vân, chưa biết nên đầu tư thế nào để vừa đạt hiệu quả kinh tế, vừa đảm bảo khả năng thanh toán, chi trả các hợp đồng bảo hiểm, lại hạn chế ở mức tối đa các rủi ro? Đó là vấn đề không hề đơn giản đối với các doanh nghiệp.
Có thể kể ra đây danh sách các doanh nghiệp nằm trong nhóm có thể đầu tư từ 100 tỷ đồng trở lên như: Bảo Việt, Bảo Minh, PJICO, Manulife, Prudential… Số các doanh nghiệp này đều có nguồn vốn có khả năng đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam từ 106 tỷ đồng tới 12.520 tỷ đồng. Đây là số tiền và quy mô không phải là nhỏ. Song trong thực tế, danh mục đầu tư của các doanh nghiệp này còn khá nghèo nàn và chủ yếu tập trung vào hình thức gửi tiền ngân hàng và trái phiếu chính phủ. Còn các lĩnh vực đầu tư khác như: kinh doanh bất động sản, cho vay, uỷ thác đầu tư, tham gia góp vốn, mua cổ phiếu… tuy diễn ra khá sôi động nhưng cũng mới chỉ chiếm một tỷ trọng khiêm tốn, ở mức trên 10% tổng số tiền đầu tư.
Ồng Trịnh Thanh Hoan, Tổng Giám đốc- TCty Bảo hiểm Việt Nam đã đưa ra một số nguyên nhân dẫn đến hạn chế này. Theo ông, hiện nay, sau 8 năm ban hành Luật Kinh doanh Bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhìn chung, môi trường đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn còn chưa thuận lợi. Các thủ tục, thông tin liên quan đến đầu tư bất động sản ít được công khai. Số lượng các dự án đầu tư an toàn, hiệu quả và khả thi còn chưa nhiều… Chính những nguyên nhân này là lý do hạn chế việc đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm vào các lĩnh vực này. Bên cạnh đó, thị trường tiền tệ và chứng khoán lại chưa phát triển. Số lượng các doanh nghiệp niêm yết còn ít, thiếu các loại trái phiếu chính phủ với thời hạn dài từ 10 năm trở lên, với lãi suất hợp lý và phương thức thanh toán linh hoạt. Yếu tố này cũng cản trở phần nào sự tham gia của các doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường chứng khoán.
Cũng không thể phủ nhận một thực tế rằng, bản thân các doanh nghiệp bảo hiểm cũng khá thờ ơ và chưa quan tâm đúng mức đến các hoạt động đầu tư. Vì vậy, trong khi số lượng các đại lý và sản phẩm bảo hiểm liên tục gia tăng thì thị trường đầu tư của bảo hiểm lại chững lại, chưa phát triển tương xứng, cán bộ làm công tác đầu tư chưa theo kịp yêu cầu của thị trường, còn thiếu các chuyên gia giỏi có trình độ và kinh nghiệm. Hơn nữa, việc đưa ra quyết định đầu tư và thực hiện quy chế đầu tư tại Việt Nam vẫn còn bị buông lỏng.
Trước thực tế này, ông Trịnh Thanh Hoan kiến nghị: “đầu tư tài chính là một trong những hoạt động không thể thiếu được của các doanh nghiệp bảo hiểm. Nhưng hoạt động này luôn phải đối mặt với những rủi ro không lường trước được.Nếu không có các biện pháp phòng ngừa rủi ro thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ gặp phải những tình huống khó khăn như mất khả năng thanh toán, mất vốn…”.
Đồng quan điểm trên, ông Trịnh Quang Tuyến, Chủ tịch HĐQT, TCty Cổ phần tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam nói: “Các công ty bảo hiểm hiện nay đang gặp phải một số khó khăn khi đầu tư gửi tiền nhàn rỗi bằng ngoại tệ do quy định về mức lãi suất tiền gửi quá thấp đối với các tổ chức kinh tế có có tiền gửi ngoại tệ tại ngân hàng. Trong khi mặt bằng lãi suất của thế giới tăng cao, 3%- 4%/năm thì lãi suất tiền gửi ngoại tệ ở Việt Nam đối với các tổ chức kinh tế hiện nay vẫn chỉ là 1%. Điều đó đã gây thiệt thòi và ảnh hưởng tới kết quả đầu tư của các công ty bảo hiểm”.
Trước những khó khăn này, tuy đã chậm, nhưng ngay từ bây giờ, Nhà nước nên sớm đề ra khung pháp lý và các văn bản hướng dẫn quản lý hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm. Các văn bản này cần đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch để các doanh nghiệp biết mình được làm và phải làm những gì; giúp các cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng kiểm tra giám sát, đỡ có sự chồng chéo, hiểu lầm. Ngoài ra, cần cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm lớn thành lập Ngân hàng thương mại và các Ngân hàng thương mại thành lập công ty bảo hiểm. Chính họ sẽ trở thành những tập đoàn tài chính mạnh như mô hình của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Việc khuyến khích phát triển đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm chính là giải pháp tích cực phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam, mang lại lợi ích thiết thực về kinh tế, thu hút công ăn việc làm, tăngnộp ngân sách nhà nước và tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ tài trợ từ thiện trước cộng đồng.
Lan Hương