Giữ hồn Tết Việt nơi đất khách
Thế giới - Ngày đăng : 07:27, 22/01/2023
Nỗi nhớ khắc khoải của người con xa quê
Không có kỳ nghỉ dài, vẫn phải đi làm, bữa ăn Tết của người Việt xa xứ chỉ với những món ăn truyền thống như bánh chưng, nem rán, dưa hành. Thời điểm đó, hình ảnh Tết quê hương như thước phim bình dị trong nỗi nhớ của người Việt nơi đất khách.
Chị Phan Thanh Nga, kiều bào tại Đức chia sẻ, đi xa mới thấm thía nỗi nhớ quê, mới thấm cái lạnh khi thiếu vắng tình cảm gia đình, của anh em, bè bạn. Sống ở Đức đã gần 20 năm, cũng có một số lần chị về Việt Nam đón Tết. Năm nay, vì công việc, chị đành phải đón Tết Nguyên đán tại Đức, dù biết người nhà đang ngóng mong con cháu được trở về sum họp như bao mùa xuân trước. Cảm giác nhớ quê hương, gia đình cứ quay quắt. Những lúc như thế này, hình ảnh gia đình quây quần bên nồi bánh chưng râm ran chuyện trò trong thời tiết rét ngọt lại hiện về. Rồi còn là hình ảnh trẻ con chạy tung tăng từ nhà này sang nhà khác; ánh mắt chứa niềm vui của trẻ khi được nhận phong bao lì xì của người lớn...
Chị Nga cho biết, Đức là một trong những đất nước có cộng đồng người Việt sinh sống, làm việc đông đúc, nhưng không phải nơi nào trên nước Đức cũng đông người Việt. Chủ yếu cộng đồng người Việt Nam tập trung ở các thành phố lớn như Berlin, Munich, còn các thành phố nhỏ khác thì thường thưa thớt.
“Từ lúc rời khỏi Việt Nam, tôi không có nhiều thời gian sống ở một thành phố lớn, nơi có các cộng đồng người Việt lớn mạnh. Ở một số nơi, chẳng hạn như thành phố Dresden nơi tôi sống, cơ hội để gặp gỡ, kết nối cộng đồng người Việt thực sự không nhiều. Vì vậy, Tết đến, nỗi nhớ quê hương lại càng nhiều hơn" - chị Nga kể.
Còn trong hồi ức của bà Trần Thị Chang, Chủ tịch Hội Hữu nghị Malaysia - Việt Nam, Tết Nguyên đán ở quê nhà là những ngày xuân lất phất mưa phùn. Cơn mưa không đủ ướt người nhưng mỗi khi nhớ đến thấy da diết, thân thương. Bà Chang nhớ cái rét buốt tay khi rửa lá gói bánh chưng cho mẹ, nhớ mùi hương mùi già thấm đượm không gian mỗi nhà trong những ngày tất niên. “Ở trong nước, vào những ngày cận Tết, nếu mọi người có cảm giác nôn nao muốn về với gia đình bao nhiêu thì những kiều bào ở nước ngoài như chúng tôi cũng có chung một khao khát giống như thế. Tôi nhớ như in ngày còn nhỏ giúp mẹ dọn nhà và canh nồi bánh chưng mỗi đêm 27, 28 Tết. Ngày mồng 1 Tết, mọi người trong gia đình, dòng họ sẽ cùng nhau đi chúc Tết từ nhà này sang nhà khác rất vui. Ở Malaysia không có mùa đông, nên dù có chuẩn bị đầy đủ thế nào cũng vẫn không giống cái Tết ngoài Bắc. Năm nay, tôi không thu xếp về nước ăn Tết được vì công việc bận rộn và chuẩn bị nhiều hoạt động cho Hội Hữu nghị Malaysia - Việt Nam. Nhưng rất mừng là, gia đình con trai cùng các cháu sang Malaysia với tôi trong dịp này. Được sum họp, vui vầy cùng con cháu sẽ giúp vơi đi nỗi nhớ quê hương”.
Cố gắng gìn giữ phong vị Tết cổ truyền
Dù xa quê, nhưng tâm hồn những người con xa xứ luôn cùng đồng điệu trong việc gìn giữ, phát huy văn hóa Việt và giới thiệu các nét phong tục Tết cổ truyền với bạn bè quốc tế.
Tại Malaysia, những năm gần đây, cộng đồng người Việt thường xuyên có những hoạt động như gói bánh chưng, rán nem, làm nhiều món ăn truyền thống khác trong dịp đón xuân mới. Bà Trần Thị Chang cho biết, năm nay, Hội Hữu nghị Malaysia - Việt Nam sẽ tổ chức hội chợ với nhiều gian hàng giới thiệu đặc sản của Việt Nam trong dịp Tết. Là người luôn trăn trở đối với các công việc nhằm phát triển cộng đồng người Việt, bà Trần Thị Chang vui mừng khi được quảng bá những sản phẩm văn hóa quê hương với người dân nước sở tại.
Bà Chang chia sẻ: "Hiện tại, số lượng người lao động Việt Nam đang làm việc tại Malaysia khá đông. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện về quê đón Tết. Những hội chợ đặc sản Việt và những hoạt động khác không chỉ giúp tăng cường sự gắn kết trong cộng đồng người Việt tại Malaysia mà còn giúp người dân hai nước hiểu biết nhau hơn”.
Không chỉ tại Malaysia, ở nhiều nước khác trên thế giới, người Việt luôn cố gắng một cách tối đa để có một cái Tết giống như ở quê hương, thể hiện tấm lòng của mình luôn hướng về cội nguồn dân tộc. Chị Phạm Quỳnh Trang, kiều bào tại Pháp cho biết, đã sống xa quê hương hơn 20 năm, việc ăn Tết nơi xứ người không còn là điều xa lạ. Luôn mong muốn con mình hiểu được văn hóa, biết đến phong tục của Việt Nam trong ngày Tết, nên năm nào chị cũng gói bánh chưng, muối hành, làm mứt, sắp mâm ngũ quả. “Khi thời khắc Giao thừa đến, tôi sẽ gọi điện về Việt Nam cùng nhau nâng ly chúc mừng năm mới, chúc bố mẹ sức khỏe và nhận lời chúc từ gia đình. Cũng may bây giờ mạng xã hội phát triển, các cuộc gọi có thể thực hiện bằng hình ảnh nên chúng tôi có thể chứng kiến bầu không khí năm mới của gia đình mình tại Việt Nam. Khoảng thời gian này ở Pháp rất lạnh, thậm chí có tuyết rơi. Song, ngày mùng 1 Tết, chúng tôi vẫn cố gắng đến nhà bạn bè thân thiết để chúc Tết".
Thấu hiểu được nỗi lòng của những người con xa xứ, trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Đại sứ quán Việt Nam tại các quốc gia trên thế giới đều tổ chức sự kiện Tết cộng đồng để động viên bà con. Chương trình Tết cộng đồng bao giờ cũng mở đầu với việc toàn thể bà con kiều bào cùng cán bộ, nhân viên Đại sứ quán thành kính dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau đó tất cả cùng thưởng thức tiệc đón tân xuân với các món ăn truyền thống. Nhiều bà con rất xúc động, cảm thấy mình như được hòa cùng không khí Tết với đồng bào tại quê nhà.
Dù ở xa quê hương song những người con đất Việt luôn hướng về cội nguồn với nỗi nhớ khôn nguôi và lòng tự hào vô bờ bến. Niềm tự hào đấy đã được bà con kiều bào thể hiện qua nỗ lực gìn giữ nhiều phong tục truyền thống qua nhiều thế hệ. Đây cũng là một đóng góp không nhỏ của cộng đồng người Việt nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc đến với bạn bè quốc tế.