Hạn hán đe dọa vùng Sừng châu Phi
Thế giới - Ngày đăng : 08:05, 01/02/2023
Theo AFP, tại các khu vực chịu ảnh hưởng, những người dân kiếm sống chủ yếu từ việc chăn nuôi gia súc và canh tác tự cung tự cấp đang trải qua mùa ít mưa nghiêm trọng thứ năm liên tiếp kể từ cuối năm 2020.
Liên hợp quốc (UN) cho biết, gần 22 triệu người, gồm 12 triệu người ở Ethiopia, 5,6 triệu người ở Somalia và 4,3 triệu người ở Kenya, đang trong tình cảnh “mất an ninh lương thực trầm trọng”.
Cuối tháng 1-2023, báo cáo của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho thấy, con số kể trên đã tăng gần gấp đôi so với mức 13 triệu người được ghi nhận vào đầu năm 2022. Trên khắp khu vực, 1,7 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa vì tình trạng thiếu nước.
“Cú sốc” thời tiết
Trong bối cảnh các hiện tượng thời tiết cực đoan đang xảy ra với tần suất và cường độ ngày càng tăng, vùng Sừng châu Phi là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất do những ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu.
Theo dữ liệu của Climate Hazards Center, trung tâm dự đoán và giám sát hạn hán, tình trạng thiếu lương thực rơi vào những nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất thế giới, 8 trong số 13 mùa mưa tại vùng Sừng châu Phi có lượng mưa dưới mức trung bình tính từ năm 2016.
UN cho biết, nạn đói gần nhất xảy ra ở Somalia vào năm 2011 đã cướp đi mạng sống của 260.000 người, với một nửa trong số đó là trẻ em dưới 6 tuổi. Nguyên nhân một phần do cộng đồng quốc tế đã không hành động kịp thời.
Vào thời điểm đó, hai mùa ít mưa “xóa xổ” mùa màng vùng Sừng châu Phi vốn đã bị tàn phá bởi nạn châu chấu giai đoạn năm 2019-2021, trong khi gia súc cũng chịu tình cảnh tương tự. Theo ước tính của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), tình trạng hạn hán đã gây ra cái chết của khoảng 9,5 triệu gia súc trong khu vực.
Tình hình tại vùng Sừng châu Phi trở nên nghiêm trọng hơn trước dự báo lượng mưa dưới mức trung bình vào mùa mưa từ tháng 3 đến tháng 5 năm nay.
“Tâm chấn” Somalia
Somalia là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tình trạng hạn hán đã tác động đến đời sống của khoảng 7,85 triệu người, tương đương hơn một nửa dân số quốc gia này.
Tháng 12-2022, OCHA cho biết, Somalia vẫn chưa rơi vào nạn đói toàn diện nhờ phản ứng kịp thời của các tổ chức viện trợ và cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, người dân vẫn đang trong tình trạng thiếu lương thực khẩn cấp. Nếu các biện pháp hỗ trợ không được tăng cường, miền Nam quốc gia này có thể đối mặt với nạn đói giai đoạn tháng 4 đến tháng 6 năm nay.
OCHA cảnh báo, số người ở mức cao nhất trong bảng phân loại mất an ninh lương thực của UN dự kiến sẽ tăng hơn ba lần, lên mức 727.000 người trong tháng 6-2023. Điều này đồng nghĩa, họ ít có cơ hội tiếp cận thực phẩm và có thể đối mặt với nạn đói.
Nguy cơ với trẻ em
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), gần 2 triệu trẻ em trên khắp Ethiopia, Kenya và Somalia đang cần được điều trị khẩn cấp vì suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng.
Tháng 9-2022, UNICEF thông báo, trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 7 cùng năm, 730 trẻ em đã tử vong tại các trung tâm dinh dưỡng ở Somalia. Con số thực tế có thể cao hơn.
Tình trạng thiếu nước, sữa và thức ăn, cùng điều kiện sinh sống tồi tàn khiến nhóm trẻ em ít tuổi nhất dễ mắc các căn bệnh nguy hiểm như sởi và tả. Điều này gây ảnh hưởng và hạn chế đến sự phát triển lâu dài của nhóm đối tượng này.