Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với nhiều nước phương Tây: Căng thẳng leo thang
Thế giới - Ngày đăng : 06:44, 05/02/2023
Ngày 2-2 vừa qua, Đức, Pháp, Hà Lan, Bỉ, Anh và Thụy Sĩ đã đóng cửa lãnh sự quán tại Thổ Nhĩ Kỳ vì lý do để bảo đảm an toàn. Tòa lãnh sự quán Mỹ vẫn mở cửa hoạt động bình thường do không nằm ở trung tâm thành phố và được bảo vệ an ninh tốt. Song, Mỹ vẫn đưa ra cảnh báo đối với công dân nước mình về nguy cơ xảy ra những vụ tấn công nhằm vào nhà thờ, giáo đường Do Thái và các cơ quan ngoại giao ở Istanbul. Đại sứ quán Mỹ nhận định, các cuộc tấn công trả đũa của những kẻ khủng bố có thể sắp xảy ra ở những khu vực người phương Tây thường lui tới. Mỹ và nhiều nước châu Âu khuyến cáo công dân không tham gia các sự kiện đông người và tránh đến những điểm nóng du lịch ở trung tâm thành phố Istanbul.
Tuần trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã đình chỉ các cuộc đàm phán với Thụy Điển và Phần Lan về đơn xin gia nhập NATO sau cuộc biểu tình tại Thụy Điển, trong đó chính khách cực hữu Rasmus Paludan đã đốt bản sao kinh Koran bên ngoài Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm. Vụ việc này đã dấy lên làn sóng chỉ trích tại nhiều nước có đông tín đồ Hồi giáo.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố, nước này sẽ không phê chuẩn đơn gia nhập NATO của Thụy Điển chừng nào Stockholm còn để xảy ra các cuộc biểu tình xúc phạm kinh thánh của Hồi giáo. Tổng thống R.Erdogan cũng khẳng định, nước này có quan điểm tích cực đối với đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan và có thể chấp thuận nước này gia nhập liên minh trước Thụy Điển. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto cho biết, nước này sẽ kiên trì kế hoạch gia nhập NATO cùng lúc với Thụy Điển.
Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước phương Tây một lần nữa cho thấy mối bất hòa giữa hai bên kể từ cuộc chính biến bất thành năm 2016 nhằm lật đổ ông R.Erdogan vẫn chưa được giải quyết triệt để. Ankara cáo buộc Mỹ và nhiều nước châu Âu hậu thuẫn phong trào FETO do giáo sĩ Fethullah Gulen dẫn đầu triển khai âm mưu nói trên. Khi lòng tin rạn nứt, Ankara sẽ tìm đến một giải pháp phù hợp là bắt tay với các cường quốc khác nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, đồng thời sẽ áp dụng chính sách đối ngoại độc lập hơn. Đây là lý do Thổ Nhĩ Kỳ có những động thái xích lại gần Nga - một đối thủ của NATO - trong những năm gần đây.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ ngăn cản Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO sẽ gây khó khăn cho tổ chức này trong việc hoạch định chính sách bảo đảm phù hợp với thực tiễn, cũng như bắt nhịp với những xu hướng mới về an ninh. Với Nga, việc Phần Lan và Thụy Điển chưa thể gia nhập NATO sẽ là một chiến thắng quan trọng trong lúc cuộc xung đột với Ukraine đang ở giai đoạn quyết định.
Trong bối cảnh như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ nghi ngờ động thái của Mỹ và các nước phương Tây thời gian gần đây là nhằm tiếp tục gây ảnh hưởng tới uy tín của Tổng thống R.Erdogan trước cuộc bầu cử tổng thống và Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 5 tới. Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu còn cho rằng, đây là cuộc chiến tranh tâm lý chống Thổ Nhĩ Kỳ và tìm cách gây bất ổn cho Ankara.
Theo nhận định của nhiều nhà bình luận, những mâu thuẫn về lợi ích giữa Ankara với Mỹ và nhiều nước châu Âu sẽ khó lòng được hóa giải nhanh chóng. Nói một cách khác, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là một thành viên gây đau đầu trong khối quân sự lớn nhất hành tinh - NATO trong thời gian tới.